Lãi suất huy động tăng trước áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn
Áp lực lạm phát cùng sức cạnh tranh gia tăng trên thị trường vốn tác động đáng kể lên tâm lý người gửi tiền, và đang là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải nhanh chóng tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu leo thang, giá nhiều loại lương thực, hàng hóa tiêu dùng tăng vọt khiến áp lực lên lạm phát càng lớn. Cùng với đó, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường vốn khi các nhà đầu tư liên tục đổ lượng tiền lớn vào chứng khoán, bất động sản cũng khiến lãi suất huy động của các ngân hàng chịu sức ép rất lớn trong thu hút dòng vốn từ người dân.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng luôn duy trì ở mức cao suốt từ đầu năm đến nay so với tăng trưởng huy động vốn, khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực. Đáng lưu ý là hiện một số ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân cho năm 2022, cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang rất mạnh mẽ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc cạnh tranh huy động vốn sẽ càng thêm gay go và quyết liệt trong những tháng còn lại của năm nay, khi ngân hàng nào cũng muốn tăng cường huy động để có đủ nguồn vốn cho vay.
Liên quan đến vấn đề kiềm chế lạm phát khi lãi suất huy động tăng, TS. Cấn Văn Lực nhận định: Điều này có những mối quan hệ nhưng không phải quá nhiều. Thông thường lãi suất cho vay mới tác động đến câu chuyện kiểm soát lạm phát.
“Lãi suất huy động tăng giúp hút bớt lượng cung tiền trong nền kinh tế để điều hướng nhiều hơn và sản xuất kinh doanh thay vì đầu cơ, chi tiêu”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính này đánh giá, mức độ giảm lãi suất năm nay là cực kỳ khó, bởi tất cả các lãi suất đầu vào và các nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Năm nay nếu giữ bình ổn được lãi suất cho vay đã là một thành công.
“Hệ thống ngân hàng có thể phải chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào tăng lên, đầu ra không tăng được. Chênh lệch lãi suất ròng sẽ giảm đi so với những năm trước. Ngân hàng buộc phải tìm cách đa dạng hoá hoạt động để tăng nguồn thu”, TS. Lực nhận định.
Trong nửa đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp được các ngân hàng điều chỉnh theo hướng tăng mạnh nhằm thu hút lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường cũng như chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, ngân hàng BIDV điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, hiện cố định ở 5,6%/năm. Vietcombank cộng thêm 0,1 điểm phần trăm cho hình thức gửi trực tuyến lên mức 5,6%/năm. Techcombank cũng tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tại quầy đối với kỳ hạn 36 tháng, mức tăng đối với các kỳ hạn ngắn từ 0,3 - 0,45 điểm phần trăm. VPBank tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4%/năm. Một số ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng gia nhập cuộc đua lãi suất như NCB, ACB, SHB, OceanBank, BaoVietBank, PGBank…
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, thời gian qua một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để tăng nguồn tiền gửi trong bối cảnh năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Khi lãi suất tăng thì người gửi tiền được hưởng mức lợi cao hơn, đồng thời cũng góp phần củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ đây đến cuối năm.
Về quan điểm cho rằng ngân hàng đang thiếu tiền nên phải tăng lãi suất động thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang tương đối ổn dù không được dồi dào như những năm vừa qua khi mà tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức tương đối ổn.
Tổng kết hoạt động ngân hàng nửa đầu năm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nêu rõ: NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận