Kiểm soát chặt các mặt hàng nhà nước định giá, đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Chiều 13/6, tại Trụ sở Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu.
Đối với quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu “sát sườn” với đời sống người dân, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành từ nay đến cuối năm, phải theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường công tác dự báo, “phải dự báo sớm hơn” để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đạt mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng qua áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng đã gây sức ép đến tình hình lạm phát trong nước. Mặc dù vậy, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với tháng 5/2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của năm tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.
Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ 2021. Về nguyên nhân, CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPC tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát,… Trước diễn biến và dự báo giá xăng dầu những tháng cuối năm cho thấy sẽ tác động đến CPI, vì vậy việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục cần được tính toán kỹ, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ có phương án quản lý giá dịch vụ giáo dục bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Lý giải về giá xăng dầu tăng trong chiều nay, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Giá trên thế giới tăng rất cao tính từ đầu năm (11/1/2022) tại thị trường Singapore và đây là thị trường chúng ta lấy chuẩn xác định về giá cả đến ngày hôm nay đối với tỷ giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm như xăng dầu thế giới. Như vậy là tăng từ 41,36 % đến 84,35 %; còn nếu chúng ta tính cùng kỳ năm ngoái là biến động tăng 60,62 % đến 123,36 %. Do chúng ta sử dụng một cách hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu so với đầu năm, giá xăng dầu là chỉ tăng 24,42 % đến 62,44 %. Rõ ràng là chúng ta vẫn phải điều hành theo giá của thế giới nhưng mức tăng này giảm hơn so với giá tăng của thế giới”.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong 5 tháng đầu năm, áp lực lạm phát rất cao. Nguyên nhân là do các nước áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng. Bên cạnh đó, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, nên cầu tăng lên rất cao. Mặt khác, do tình hình xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine cũng làm cho giá lương thực, xăng dầu, năng lượng tăng cao… ảnh hưởng đến điều hành lạm phát của các nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả. Do đó, chúng ta kiểm soát được lạm phát trong 5 tháng đầu năm 2022. CPI bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021.
Toàn cảnh cuộc họp.
Nhận định thời gian tới, áp lực lạm phát còn cao hơn nữa. Nhất là giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như: Giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải,… Do đó, công tác điều hành giá của Chính phủ từ nay đến cuối năm rất khó khăn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngày theo chức năng quản lý nhà nước tiếp tục theo dõi sát, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình để triển khai các giải pháp, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền để kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao:
“Đề nghị các đồng chí là triển khai các giải pháp hết sức quyết liệt, sát với tình hình thực tế, đặc biệt tăng cường kiểm tra, kiểm soát để giữ vững các mặt hàng chỉ có mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành để thực hiện chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa về các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu tiếp tục là kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát”.
Đối với quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu “sát sườn” với đời sống người dân, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành từ nay đến cuối năm, phải theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường công tác dự báo, “phải dự báo sớm hơn” để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đạt mục tiêu đề ra.
Trước mắt, những hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành “phải hết sức cân nhắc, đánh giá tác động chi tiết, báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền, thì mới được tăng giá. Nếu chi phí đầu vào cao quá mà không tăng giá sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cả hệ thống. Do đó phải có phương án rất cụ thể”.
Còn đối với những mặt hàng doanh nghiệp tự định giá theo quy định của luật, nếu bất thường phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời. Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dũng Quỹ BOG hợp lý; triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động.
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành: Quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, “công bố hàng tháng” để hỗ trợ doanh nghiệp./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận