Khó tiếp cận vốn ngân hàng, thị trường bất động sản có nguy cơ đóng băng
Doanh nghiệp bất động sản hoạt động cũng chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, bản thân người mua nhà cũng phải vay tiền nên dòng tiền thắt chặt thị trường bất động sản sẽ chịu tác động kép.
Doanh nghiệp và khách hàng đều khó tiếp cận vốn
Thị trường bất động sản đã bắt đầu “ngấm đòn” tín dụng. Bởi lãi suất tăng, tỷ giá tăng đương nhiên nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp tăng và doanh nghiệp nào quản quản lý tài chính không tốt, thậm chí là còn mất cân đối dòng tiền sẽ mất khả năng thanh toán.
Một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động tiết kiệm sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trước đó. Lãi suất cao, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền vào bất động sản hạn chế. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ sẽ buộc phải bán bất động sản cắt lỗ.
Thời gian trước, thị trường nhà đất từng nhiều lần chịu ảnh hưởng tiêu cực trong mỗi chu kỳ lãi suất đi lên với giai đoạn đầu thường có hiện tượng nhiều nhà đầu tư vì không chịu nổi áp lực nên phải bán cắt lỗ nhanh, rồi sau đó thị trường sẽ rơi vào giai đoạn trầm lắng, đóng băng trong suốt thời gian dài.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được rất nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, điều này sẽ không tốt cho thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản đang chững, giao dịch khó, nhiều người vẫn đang bị kẹt. Lãi suất ngân hàng tăng cao, việc vay đầu tư bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc” - ông Nguyễn Thế Điệp đánh giá.
Nguồn cung thiếu hụt, giá căn hộ tiếp tục tăng
Tại TP.HCM, từ năm 2018 đến nay rất thiếu nguồn cung nhà ở do dự án bị “ách tắc” dẫn đến nguồn cung nhà ở bị sụt giảm liên tục. Năm 2017 là năm số lượng nhà ở đưa ra thị trường nhiều nhất với 42.991 căn nhà. Nhưng, năm 2018 số lượng chỉ còn 28.316 căn nhà bằng 65,8%; năm 2019 số lượng chỉ còn 23.046 căn nhà bằng 53,6%; năm 2020 số lượng chỉ còn 16.895 căn nhà bằng 39,2%; năm 2021 số lượng chỉ còn 14.443 căn nhà bằng 33,6% so với năm 2017, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở.
Phân khúc nhà ở thiết hụt nhất là nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở thực của đa số người dân trong xã hội, đó là tầng lớp người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư.
Theo báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội, tình hình thị trường bất động sản, nhà ở trên địa bàn trong quý 3 năm 2022 nguồn cung khan hiếm. Theo đó, nguồn cung chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước đó. Chính sách tín dụng siết chặt cộng thêm những khó khăn về thủ tục, khiến nhiều dự án không thể triển khai. Lượng tiêu thụ sản phẩm cũng ở mức thấp. Thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc...
Nguồn cung khan hiếm thì giá nhà liên tục tăng và xuất hiện nhiều đợt “sốt ảo” giá nhà, giá đất, đồng thời đã xuất hiện loại nhà ở, căn hộ “siêu sang” và hiện nay mặc dù giao dịch nhà đất có dấu hiệu “chững lại”, “trầm lắng” nhưng giá nhà đất vẫn còn “neo giữ cao”.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: “Việc giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao trong khi thu nhập của người dân không chạy kịp giá nhà đã khiến nhiều người phải từ bỏ ước mơ sở hữu nhà ở và chuyển sang đi thuê. Hiện tượng mất cân đối, lệch pha cung cầu không thể giải quyết nếu không có tháo gỡ các yếu tố pháp lý cho các dự án bất động sản từ phía cơ quan chức năng”./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận