Hướng vào thị trường nội địa: Giải pháp cho doanh nghiệp sau đại dịch
Doanh nghiệp cần "bám sâu rễ, bền gốc" ở thị trường trong nước, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách khi dịch Covid-19 bùng phát. Hơn 3 tháng qua, do những tác động tiêu cực của dịch bệnh, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều gặp khó. Cả hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều chậm lại, một số mặt hàng bị ứ đọng tồn kho dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất bị thua lỗ hoặc giảm sút lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp không trụ lại được, đã phải phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Riêng lĩnh vực thương mại nội địa, nhiều cửa hàng cửa hiệu phải đóng cửa hoặc hoạt động một phần trong thời gian dài hoặc nghỉ hẳn kinh doanh. Doanh thu của nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng bị thì bị sụt giảm nghiêm trọng...
Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội của cả nước 4 tháng qua đã giảm 4,27% so với cùng kì năm trước. Một mức suy giảm doanh thu chưa từng có trong nhiều năm nay ở thị trường nội địa, một thị trường đầy tiềm năng và quan trọng nhất nhì của nền kinh tế đất nước.
Trước những hệ lụy của đại dịch Covid-19, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, muốn vươn ra thị trường thế giới thì trước hết phải làm tốt thị trường nội địa; cần coi trọng vai trò của thị trường nội địa. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần “ăn sâu, bén rễ” vào thị trường quan trọng này để phát triển. Nếu để mất thị trường nội địa, mất hệ thống phân phối, mất cả sự liên kết giữa sản xuất và phân phối thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều trở ngại và dịch bệnh ở các nước vẫn diễn biến phức tạp.
Theo ông Phú, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Chống ép giá; kiên quyết chống độc quyền trong kinh doanh, găm hàng, đầu cơ, chuyển giá, trốn lậu thuế, phải biết chia sẻ với các bạn hàng.
"Các doanh nghiệp kinh doanh cần tiếp tục xây dựng thương hiệu bán lẻ nội địa một cách vững chắc, tạo dấu ấn niềm tin của khách hàng mua và khách hàng bán một cách lâu dài, bền vững. Đó chính là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển nhanh và hiệu quả của mỗi tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thị trường luôn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay và với hàng chục hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp được ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đây là những cơ hội chứ chưa phải là sự đảm bảo chắc chắn để doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. Muốn bước ra sân chơi chung của thế giới với nhiều cơ hội song hành cùng không ít cạnh tranh và thách thức, việc thực hiện kế sách "bám sâu rễ, bền gốc" ở thị trường trong nước mới là điều cần phải được coi trọng, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.
"Hơn lúc nào hết, cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", vì đây là hành động thiết thực nhất để hậu thuẫn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề tồn kho hàng hóa”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, với sức cầu ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây và trong tương lai. Sự phát triển của thị trường nội địa sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa Việt một cách mạnh mẽ, có tính cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó, thị trường nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo./.
Chung Thủy/VOV.VN( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận