Gian lận xuất xứ, quy hoạch điện nóng phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương
Gian lận xuất xứ hàng hóa, quy hoạch điện, giá điện… là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từ chiều 6/11 đến 7/11, với 45 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 9 đại biểu tranh luận. Trong đó, các vấn đề về gian lận xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại, quy hoạch điện, kịch bản đối phó với việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam… làm nóng Nghị trường.
Đại biểu Quốc hội “đòi” Bộ trưởng thông tư
Trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thừa nhận lỗ hổng trong hàng rào kỹ thuật, dẫn đến những vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại như Khaisilk, Asanzo… gây bức xúc trong xã hội thời gian qua.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa trong việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước. Hiện đã lấy ý kiến công khai của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp, người dân qua 2 vòng và thu được nhiều ý kiến đóng góp.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành Công Thương cũng cho biết, qua các ý kiến đóng góp, Bộ sẽ nghiên cứu kỹ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, để tránh tình trạng gây ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam trong các hoạt động thương mại quốc tế.
Trước câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) và đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) mong muốn câu trả lời xác thực hơn và cụ thể là bao giờ ban hành được Thông tư này.
“Việc ban hành Thông tư là quyền của Bộ trưởng, xong hay không phụ thuộc vào quyết tâm của Bộ trưởng. Thương chiến Mỹ - Trung đang diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng rất lớn, mong Bộ trưởng đừng thờ ơ”, đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn.
Đáp lại sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa nhắc lại tinh thần quyết liệt của ngành trong chống hàng giả, buôn lậu. Ông cũng cam kết “làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết, vô cảm hay thờ ơ” để xây dựng thông tư quy định về hàng hóa Việt Nam tiêu thụ trong nước.
“Cuối năm nay, Bộ sẽ phối hợp cùng Bộ Tư pháp rà soát để đảm bảo văn bản này khi ban hành đi vào cuộc sống được”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Đối phó việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề cập đến việc 8 tháng năm nay, nhập siêu từ Trung Quốc tăng đột biến lên mức 45,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên Trung Quốc cũng không ít lần đơn phương đột ngột ngừng nhập khẩu một số hàng hoá của ta mà chủ yếu là nông thuỷ sản, những sản phẩm không thể bảo quản lâu được.
“Bộ Công Thương có kịch bản nào để đối phó với việc này?”, đại biểu đoàn An Giang đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có sự lúng túng, bỡ ngỡ trong quy mô sản xuất, mô hình tổ chức sản xuất dẫn đến không chủ động trong sản xuất và xuất khẩu đi Trung Quốc.
Bộ trưởng bị “truy” các dự án điện chậm tiến độ
Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu còn đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong việc nhiều dự án điện chậm tiến độ, dẫn đến nguy cơ Việt Nam có thể thiếu điện trầm trọng trong những năm tới. Đặc biệt, thiếu điện có thể xảy ra ngay trong năm 2019 này.
“Có tới 47/62 dự án điện có công suất lớn, chậm tiến độ, có cả những dự án đã đủ cơ sở pháp lý và tính khả thi như Dự án nhiệt điện khí Bạc Liêu mà nhiều đại biểu đã nêu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng đối với sự chậm trễ này. Bộ trưởng có những giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?”, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) chất vấn.
Đại biểu biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho rằng dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ (18 tháng) và được đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Trước câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng theo bà biết dự án điện gió Bạc Liêu giải quyết rất chậm. Trong 18 tháng qua, thủ tục đầu tư đã đầy đủ hết. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến.
“Người dân kêu rất nhiều nhưng bây giờ cứ nói chung chung là sẽ xem xét thì rất khó. Đây là một dự án quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Bộ trưởng có thể nói là từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không?”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định Bộ đã 2 lần báo cáo, hiện nay đang đợi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cho ý kiến. Ngay sau khi có ý kiến bổ sung, Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc triển khai dự án.
Về thời điểm thực hiện, ông Trần Tuấn Anh cho biết bản thân Bộ Công Thương cũng rất mong muốn sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án. Vì thực tế, nước ta đang thiếu điện và đang rất cần những trung tâm điện này. Tuy nhiên, ông cũng không thể trả lời chính xác khi nào dự án điện Bạc Liêu được triển khai.
“Tôi cũng không thể nói được là thời điểm nào, vì phải đợi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cho ý kiến. Sau đó sẽ triển khai theo đúng quy định. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ sớm được thực hiện vào đầu năm 2020”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Lập quy hoạch điện 8 đến giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050
Giải trình rõ hơn trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thừa nhận cơ cấu nguồn điện thay đổi qua nhanh so với Quy hoạch điện 7, dẫn đến nguy cơ thiếu điện ngay trong năm 2019. Do đó, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện 7, bổ sung nguồn điện tái tạo và nguồn điện khác do sự thiếu hụt này.
Để đảm bảo cung ứng đủ điện giai đoạn tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các giải pháp trọng yếu, trong đó có lập quy hoạch điện 8 theo đúng Luật quy hoạch đến giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050, với quan điểm đổi mới công tác quy hoạch, chủ yếu tập trung xác định quy mô, công suất nguồn từng giai đoạn; Cơ cấu nguồn điện, tăng điện tái tạo, khí trong cơ cấu; Xác định không gian phân bổ điện hợp lý, tranh thủ tiềm năng lợi thế khu vực để bố trí. Ví như, điện mặt trời bố trí khu vực miền Trung, miền Nam nhiều nắng…
“Tập trung quy hoạch đường truyền tải, giải toả công suất an toàn hiệu quả. Quy hoạch điện 8 có thể đến năm 2021 mới phê duyệt được. Nên trước mắt tập trung điều chỉnh quy hoạch điện 7”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay./.
Vân Anh/VOV.VN
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận