Giải pháp hạn chế rủi ro do bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Mỹ
Ngoài việc có đầy đủ thông tin sản phẩm, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp luôn luôn coi trọng xuất xứ nguồn nguồn gốc nguyên liệu, chỉ sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc.
Những năm qua, trong bối cảnh nhiều nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa của Việt Nam, Mỹ là thị trường điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều nhất. Vì thế, nếu không có các biện pháp tích cực để hạn chế áp dụng PVTM sẽ ảnh hưởng không chỉ tới DN, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Tại tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/12, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) thông tin, từ tháng 7/2018, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra, Mỹ gia tăng việc áp thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, đồng hành với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ gia tăng, thời gian qua chính quyền Mỹ cũng hạn chế và ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa, để kiểm soát tình hình lạm phát. Một trong những biện pháp kiểm soát được nước này áp dụng chính là các biện pháp PVTM như chống bán phá giá; điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Việt Nam hiện đang xuất siêu sang Mỹ xấp xỉ 90 tỷ USD và nằm trong nhóm các nước có quan hệ thương mại lớn với Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico. Có những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch đạt 20 tỷ USD.
“Tận dụng được chuỗi cung ứng bị gián đoạn và Mỹ áp dụng các biện pháp PVTM với một số quốc gia, Việt Nam cũng tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ. Tuy vậy, song song với cơ hội cũng kèm theo thách thức là số lượng các vụ việc về điều tra các và áp dụng các biện pháp PVTM, việc áp dụng các biện pháp về chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa của Việt Nam ngày càng gia tăng”, ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, các biện pháp PVTM của Mỹ không chỉ áp với các mặt hàng từ Việt Nam, còn áp dụng với những quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan và một trong những lý do là hàng của Việt Nam có cường độ cũng như tỷ trọng, giá trị tuyệt đối gia tăng rất nhanh.
Từ thực tế DN có nhiều sản phẩm chịu áp dụng các biện pháp PVTM, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ năm 2018 đến nay Mỹ đã tiến hành 5 vụ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam. Với đặc điểm thép là mặt hàng các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa và đều có chính sách bảo hộ ngành sản xuất trong nước nên việc điều tra là một phần tất yếu.
Tuy nhiên theo phân tích của ông Thái, sở dĩ số vụ kiện liên quan đến ngành thép tăng mạnh trong thời gian vừa qua có hiệu ảnh từ hiệu ứng từ các vụ điều tra xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi Việt Nam lại rất gần Trung Quốc nên khi có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều quốc gia có sự nghi ngờ và sẽ điều tra liên quan đến các sản phẩm Việt Nam sản xuất và xuất khẩu.
“Một nguyên nhân rất lớn khiến vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM gia tăng đó chính là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tại Việt Nam; chi phí nhân công của Việt Nam đang còn thấp. Từ lợi thế này khiến giá sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam luôn rẻ hơn sản phẩm cùng loại sản xuất ở các thị trường có nền kinh tế phát triển giống như Mỹ”, ông Thái nêu.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích những nguyên nhân
Để hạn chế những rủi ro bị áp dụng các biện pháp PVTM tại thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị các DN Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu pháp luật, quy định về PVTM. Trong quá trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa luôn luôn coi trọng xuất xứ nguồn nguồn gốc nguyên liệu để tạo ra sản phẩm, đặc biệt sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc không từ các nước hiện đang bị áp dụng các biện pháp về PVTM.
Theo bà Trần Thị Thu Hương, sản phẩm của các DN xuất khẩu vào Mỹ bắt buộc phải vượt qua công đoạn gia công đơn giản, sau đó đáp ứng được quy tắc về chuyển đổi mã HS gồm 3 cấp độ. Đối với những sản phẩm không thỏa mãn quy định về quy tắc xuất xứ, các DN cũng có thể làm Giấy chứng nhận để xác nhận những công đoạn của sản phẩm được tiến hành gia công tại thị trường Việt Nam.
“Với chức năng của Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, chúng tôi có chức năng cấp những giấy chứng nhận xác định những công đoạn được tiến hành gia công tại DN. Điều này hoàn toàn dựa trên yêu cầu của DN, từ đó giúp các DN sẵn sàng có những bằng chứng chứng minh và những công đoạn nào của sản phẩm được tiến hành tại Việt Nam”, bà Hương khẳng định./.
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận