Giải cứu' nông sản ùn ứ ở cửa khẩu
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nông sản (chủ yếu là mặt hàng thanh long) đang ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhiều ngày nay là do phía bạn hàng siết chặt việc kiểm tra về tiêu chuẩn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ và các đóng gói bao bì.
Nông sản ùn ứ cục bộ
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, cửa khẩu phụ Tân Thanh là cửa khẩu chủ yếu xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hoa quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Theo thông lệ, cứ vào dịp cuối năm hàng hóa sẽ tăng đột biến, nhưng từ quý III/2019 lượng nông sản, hoa quả xuất khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ, số lượng phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu khoảng 80-150 xe/ngày.
Đáng nói, từ ngày 15/10 đến nay, lượng hàng dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến (khoảng trên 250 xe/ngày) chủ yếu là mặt hàng thanh long do đang vào chính vụ.
Bên cạnh đó, từ ngày 12/10, lực lượng Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu, lực lượng chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô, kể cả xe không hàng và xe có hàng.
“Thời gian kiểm tra mất khoảng 6 - 7 phút/xe, trong khi đó trước đây chỉ khoảng 2 phút/xe. Do đó lượng xe tối đa trong ngày chỉ khoảng 120 - 150 xe dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về tại cửa khẩu”, ông Nguyễn Quốc Hải cho hay.
Từ ngày 15/10 đến nay, mỗi ngày đều tồn khoảng 400 xe, cao điểm ngày 18/10 chỉ xuất khẩu được 182 xe, tồn khoảng 500 xe. Tính đến 19h ngày 21/10 lượng phương tiện tại cửa khẩu còn tồn khoảng 470 xe hàng.
Chị Vũ Thị Nguyệt, chủ hộ kinh doanh cá thể cho biết, từ ngày 15/10 đến nay, lượng thanh long xuất khẩu được của doanh nghiệp giảm 40% bởi “trước đây chỉ kiểm tra hàng bằng mắt thường, nay phía Trung Quốc kiểm tra thực tế và thực hiện truy xuất nguồn gốc ngay tại cửa khẩu số 1 để hạn chế tình trạng hàng không đạt tiêu chuẩn, khi đã đưa vào bãi phải làm thủ tục đưa ra”.
Tuy nhiên, chị Nguyệt cũng bày tỏ, các doanh nghiệp cũng được Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh và các lực lượng chức năng hỗ trợ rất nhiều, từ việc cung cấp nước uống, đồ ăn cho lái xe đến việc lựa chọn những mặt hàng hoa qua nhanh hỏng (như chuối) ưu tiên đưa vào luồng xanh thông quan trước.
“Hiện nay tại cửa khẩu chỉ có tình trạng ùn ứ, không phải tắc nghẽn. Với lượng xe hàng hiện nay khoảng 3 ngày nữa sẽ hết tình trạng này bởi hàng hóa cũng xuất khẩu được dần dần rồi”, chị Vũ Thị Nguyệt nói.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: VGP/Phan Trang |
Cần chung tay
Chia sẻ với thương nhân, ông Nguyễn Quốc Hải cho biết thêm, một trong những khó khăn hiện nay đối với nông lâm thuỷ sản đó là từ ngày 1/5/2018, phía Trung Quốc tăng cường và thắt chặt quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam, theo đó muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì hoa quả phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch động, thực vật, phải có đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc tiếp tục siết chặt tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản.
Chị Vũ Thị Nguyệt cũng bày tỏ sự lo lắng về việc, hiện nay mặt hàng thanh long thì doanh nghiệp đã đáp ứng được khoảng 99% về nguồn gốc và đóng gói bao bì nhưng sắp tới đến vụ dưa hấu sẽ lại là “một nỗi lo khác”.
“Phía Trung Quốc không cho dùng rơm rạ để lót vào dưa mà phải dùng 100% bao bì, việc này gây khó khăn cho bảo quản dưa hấu. Nếu dùng toàn bộ bao bì thì quả dưa sẽ bị nóng, bí dẫn đến dễ hỏng, ủng dưa. Trong khi đó từ xưa đến nay chúng tôi đều dùng rơm, rạ lót vào quả dưa, tạo độ thoáng cũng như êm, mềm để bảo quản dưa không bị dập, ủng. Chúng tôi rất lo lắng trong mùa dưa tới nếu như không được dùng rơm rạ lót dưa thì khả năng dưa bị hỏng trước khi xuất khẩu được là rất cao”, chị Nguyệt cho biết.
Hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống logistic chưa được đầu tư quy mô, bài bản do nguồn lực của tỉnh khó khăn, doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu hàng nông sản qua 3 cửa khẩu: Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị gây nên tình trạng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu tại một số thời điểm.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa thương nhân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc cũng chưa hiệu quả. Thương nhân Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường xuất khẩu hàng hóa còn hạn chế, nhất là thị trường nông sản. Sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) còn mang tính tự phát nên thường xuyên gây ra tình trạng “cung vượt quá cầu”, chất lượng hàng hóa không cao nên giá trị giảm, làm dư thừa hàng hoá trong nước.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới, các Sở Công Thương cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT thông báo, khuyến cáo tới doanh nghiệp, thương nhân cần chủ động trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, đóng gói, chất lượng, chủng loại… mới có thể xử lý tận gốc vấn đề “cung vượt quá cầu” như hiện nay được.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc (Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai…) thông báo về tình hình ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh để phối hợp chỉ đạo điều tiết hợp lý lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh tình trạng ùn tắc, hàng hóa xuống cấp, hư hỏng, thiệt hại cho thương nhân.
Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thống nhất với Trung Quốc cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của Lạng Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi…để tăng khả năng thông quan cho nông sản./.
Phan Trang ( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận