Đột phá, ưu tiên đưa các công trình trọng điểm về đích
Những ngày đầu tháng 9, trên công trường các dự án trọng điểm ở TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ sôi nổi nhiều hoạt động thi công xuyên lễ Quốc khánh (2-9).
Trong nỗ lực đưa các dự án đạt tiến độ, về đích, các địa phương đã thúc đẩy nhiều giải pháp đột phá, từng bước tạo hình hài công trình, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra theo các nghị quyết của Đảng, quy hoạch, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Dấu ấn trên những công trình, dự án
Trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9-2024, tại gói thầu XL8 xây dựng cầu tỉnh lộ 9 (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) thuộc dự án đường vành đai 3 kết nối 4 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc, thi công khẩn trương, sôi nổi. Các công nhân cùng phương tiện, máy móc đang nỗ lực hoàn tất những khâu cuối để chuẩn bị cho việc lao dầm từ trụ T4 đến T7 của công trình cầu. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hầu hết các công trình trọng điểm kết nối vùng và trọng điểm của TP Hồ Chí Minh đều triển khai thi công xuyên lễ để bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra.
Chẳng hạn như: Đường vành đai 3, đường Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, vòng xoay An Phú nối vào cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây... Trong thời điểm lễ Quốc khánh, hoạt động giao thông đi lại ở thành phố cũng giảm do người dân đi du lịch, nghỉ dưỡng nên thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu đến công trình. Cùng với hoạt động thi đua thi công, bảo đảm an toàn, các nhà thầu huy động lực lượng, chia ca, kíp thi công ngoài công trường bảo đảm hiệu suất cao nhất.
Dự án đường vành đai 3 được các địa phương: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An khởi công từ tháng 6-2023, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, đến nay đã cơ bản khởi công các dự án xây lắp. Dự án có chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng. Đoạn qua TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 4/10 gói thầu khởi công tháng 6-2023, hiện đạt khoảng 17,51% khối lượng. 6 gói thầu bắt đầu triển khai thi công cuối tháng 1-2024 đạt 5,1%. Đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt 13,7% khối lượng; đoạn qua tỉnh Long An đạt hơn 35,9% khối lượng. Tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường vành đai 3 cơ bản đạt tiến độ đề ra.
Cùng với dự án đường vành đai 3, các dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường vành đai 4, sân bay Long Thành cũng đã có những kết quả, tiến độ tích cực. Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài hơn 53km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu (tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành năm 2025, khai thác đồng bộ năm 2026 đã đạt tiến độ theo kế hoạch. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 90% diện tích mặt đường được rải đá dăm, phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30-4-2025, sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu.
Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành dài gần 58km, đi qua 3 địa phương: Long An, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, đến tháng 8-2024 đã đạt hơn 81% sản lượng thi công toàn dự án. Khi dự án hoàn thành theo dự kiến vào cuối năm 2025 sẽ giúp kết nối liên hoàn với các tuyến cao tốc chính trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Trong dịp lễ này, tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đơn vị nhà thầu duy trì 8.000 kỹ sư, công nhân thi công trên công trường để bảo đảm tiến độ các hạng mục. Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, dự án cầu Bạch Đằng 2 nối TP Tân Uyên (Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là công trình trọng điểm của vùng, có tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn tất các hạng mục phụ để chuẩn bị thông xe, mang lại nhiều ý nghĩa phát triển kinh tế-xã hội.
Khơi mở động lực phát triển
Với nhiều lợi thế, tiềm năng và nguồn lực cùng vị trí quan trọng tạo động lực phát triển, vùng Đông Nam Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện, chính sách thúc đẩy phát triển. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp theo đó là các chỉ đạo, kế hoạch, quy hoạch của Chính phủ, các ngành trong công tác quy hoạch vùng, trong đó vấn đề quy hoạch, hoàn thành những công trình trọng điểm có ý nghĩa vô cùng lớn, khơi mở động lực phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4-5-2024 về phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ tư vào tháng 8-2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã tập trung nêu rõ yêu cầu, tính cấp thiết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có các tuyến đường bộ cao tốc, đường vành đai 3, Nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu...; hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh các dự án mới như: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tuyến đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh-Nha Trang, đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ, đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bình Dương...
Sự đột phá của việc thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được đánh giá là tạo ra không gian thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi mở động lực phát triển đồng bộ. Quy hoạch phát triển vùng Đông Nam Bộ đã tập trung vào 3 yếu tố: Đột phá, tiên phong và liên kết. Các yếu tố này giúp khắc phục được vấn đề kết nối nội vùng và liên vùng còn yếu và chưa đồng bộ, do đó cần được xem xét ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, hoàn thành vượt tiến độ sẽ có ý nghĩa rất lớn. Đến tháng 8-2024, các dự án trọng điểm đã cơ bản hoàn thành tiến độ thi công, thủ tục.
Dự án đường vành đai 3 hiện đã cơ bản khởi công các dự án xây lắp nhưng vẫn còn có một số khó khăn như đoạn qua TP Hồ Chí Minh thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ, một số dự án thành phần thuộc tỉnh Đồng Nai còn chậm tiến độ do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng... Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ tư, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các địa phương có dự án đi qua tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ nguồn vật liệu cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án điều phối, giải quyết dứt điểm cát đắp nền đường.
Ngày 31-8, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc trình hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh. Sau thời gian nỗ lực cao cùng với TP Hồ Chí Minh, các địa phương: Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn thành các nghiên cứu tiền khả thi của dự án với chiều dài gần 207km, tổng vốn hơn 127.000 tỷ đồng.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, để kịp thời triển khai và đáp ứng tiến độ cấp bách đã đề ra, UBND TP Hồ Chí Minh với vai trò đầu mối phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan sẽ thực hiện nghiên cứu, đề xuất các cơ chế và chính sách đặc thù áp dụng cho dự án đường vành đai 4; nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội thông qua quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10-2024.
Bài và ảnh: CHIẾN MINH
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dot-pha-uu-tien-dua-cac-cong-trin...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận