Đột phá giải ngân đầu tư công
Năm 2024, TP Hồ Chí Minh được giao giải ngân nguồn vốn đầu tư công hơn 79.000 tỷ đồng, nhưng đến đầu tháng 9 mới chỉ đạt tỷ lệ giải ngân gần 20%. Những tháng cuối năm, thành phố coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để đột phá tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm giải ngân theo kế hoạch, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đột phá vào các điểm nghẽn về thủ tục
Tại phiên họp kinh tế-xã hội thường kỳ tháng 8, triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 9 và các tháng cuối năm, lãnh đạo UBND thành phố tập trung vào vấn đề giải quyết, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu 95%. Nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế chủ yếu là do các công trình giao thông bị chậm, tâm lý đợi điều chỉnh quy hoạch, thủ tục triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc... Cùng với đó, trong bồi thường, giải phóng mặt bằng nảy sinh tâm lý chờ đợi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực để tính toán lại quyền lợi bảo đảm cho người dân. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như thiếu vật liệu xây dựng, công tác thi công của nhà thầu... Vướng mắc thủ tục pháp lý liên quan đến thủ tục thực hiện dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiến các dự án hạ tầng giao thông chậm.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay, thành phố có 189 vấn đề tồn tại cần tháo gỡ, từ quy hoạch đất đai, bồi thường tái định cư đến thủ tục dự án, quyết toán. Để giải quyết vướng mắc về thủ tục, UBND thành phố đã thành lập tổ chuyên trách để theo dõi và đốc thúc các sở, ngành, địa phương hằng ngày; chỉ đạo các sở, ngành cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu, trong tháng 9 và những tháng còn lại, các sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư cần tập trung rà soát những nhiệm vụ chưa hoàn thành, nhiệm vụ khó hoàn thành, nhiệm vụ đang cản trở công việc chung của TP Hồ Chí Minh để khắc phục; tránh tình trạng gửi văn bản qua lại giữa các sở, ngành, đơn vị. Nếu văn bản gửi đi một tuần mà không giải quyết được thì tổ chức họp để xử lý dứt điểm hoặc có đề xuất bộ, ngành giải quyết. Trung ương vừa cho chủ trương thành phố tổng hợp những việc tồn đọng, vướng mắc kéo dài để báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm, do đó cần đẩy nhanh tiến độ, thời gian, phối hợp chặt chẽ để quyết tâm giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, tạo động lực tăng trưởng thành phố.
Quyết liệt chỉ đạo, điều chuyển nguồn vốn kịp thời, hiệu quả
Ngày 29-8 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, trong đó yêu cầu đánh giá hiệu quả, tiến độ các đơn vị, địa phương và các dự án để đốc thúc, điều chuyển nguồn vốn hiệu quả. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký văn bản nhắc nhở, đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện, Ban Quản lý đường sắt đô thị và các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư phải theo dõi chặt tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm số vốn và tỷ lệ giải ngân từng tuần, từng tháng ít nhất theo đúng kế hoạch đã báo cáo, cam kết. Các đơn vị cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để có thể giải ngân thêm vốn so với kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, nhắc nhở 11 đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 chưa đạt tỷ lệ 95%, cụ thể như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (81,3%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (66,9%); Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (36,5%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (36,2%); các quận 1, 3, 5, 6, Tân Bình, Tân Phú và huyện Hóc Môn.
Hiện nay, trên nhiều công trình trọng điểm đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh, không khí lao động rất khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ. Tiêu biểu như dự án tuyến đường sắt metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã đạt hơn 98% khối lượng; dự án tuyến đường sắt metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) hoàn thành thủ tục bồi thường đạt 99,6%; dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên đạt hơn 50% tổng khối lượng. Trong cơ cấu của tổng nguồn vốn đầu tư công hơn 79.000 tỷ đồng thì có khoảng 60.000 tỷ đồng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, 28.000 tỷ thuộc các dự án mới đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, 22.000 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng, 2 dự án là dự án chống ngập ngăn triều 6.800 tỷ đồng và dự án vốn ODA 3.700 tỷ đồng... Theo lãnh đạo UBND thành phố, cùng với đốc thúc, chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND thành phố giao Sở Tài chính rà soát, báo cáo các trường hợp đến nay chưa thực hiện việc giải ngân vốn quyết toán cho các dự án theo các văn bản hướng dẫn. Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, tham mưu đề xuất phương án thay thế, điều chuyển vốn kịp thời từ các dự án khó có khả năng giải ngân đúng tiến độ sang các dự án có khả năng đẩy nhanh giải ngân, thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Đối với các dự án chuyển tiếp, UBND TP Hồ Chí Minh giao các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các thủ tục giải ngân để đạt kết quả giải ngân với tỷ lệ cao nhất.
Bài và ảnh: KIM ĐỒNG
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dot-pha-giai-ngan-dau-tu-cong-796639
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận