Để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát huy hiệu quả
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp và người có thu nhập thấp muốn mua nhà ở trên cả nước đón nhận tin vui về gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Đây cũng là chính sách thiết thực trong nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và an sinh xã hội.
Bắc Ninh - địa phương đang có hơn 50 dự án nhà ở xã hội được xây dựng. Cả doanh nghiệp, người thu nhập thấp và cơ quan quản lý Nhà nước đều mong muốn chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Chính phủ nhanh chóng được triển khai. Trong đó, sự hỗ trợ để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi là quan trọng hơn cả. Mặc dù vậy, do chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về đối tượng được thụ hưởng cũng như thủ tục cần thiết để được vay vốn nên tình trạng chung của các bên liên quan vẫn là nghe ngóng, đợi chờ.
“Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các chủ đầu tư, qua kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ những thủ tục về pháp lý, từ đó rút ngắn thủ tục để làm sao cho các dự án đủ điều kiện tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng và hiệu quả”, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng. Tuy nhiên, cơ chế vay do các ngân hàng này tự quyết định bằng nguồn vốn của tổ chức. Mức lãi suất của gói tín dụng này sẽ giảm 1,5% so với mức cho vay thông thường đối với với các chủ đầu tư tham gia phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Đối với người mua sẽ được hỗ trợ giảm 2%. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, cơ chế cho vay gói này sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng sẽ không đặt ra các điều kiện gì khác so với các khoản vay thông thường, nhưng với điều kiện phải thuộc các đối tượng mua nhà ở các phân khúc nêu trên. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
“Với các danh mục thì hiện nay Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn cụ thể và hiện nay dang thúc đẩy triển khai. Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổng kết, đánh giá. Nếu có khó khăn, vướng mắc thì sẽ đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ kịp thời. Gói 120.000 tỷ đồng sẽ là điều kiện thuận lợi, giúp chủ đầu tư nhà ở xã hội cũng như cải tạo chung cư cũ có nguồn lực về tài chính để thực hiện đầu tư nhanh cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi, đối với chủ đầu tư áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Còn đối với người mua nhà sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.
Các chuyên gia nhận định, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên thị trường hiện nay đang rất ít trong khi nhu cầu thì quá cao. Nhiều chủ đầu tư đã quan tâm và có ý định tham gia phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội. Thế nhưng, từ ý định đi đến hiện thực và cho ra sản phẩm là quá trình dài cần nhiều thời gian.
“Gói tín dụng này sẽ có tác động rất lớn, hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản, đặc biệt là về an sinh xã hội, nhân văn. Tạo điều kiện về nơi ở tốt hơn cho hàng trăm nghìn con người. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định tính khả thi của nó như thế nào”, TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế băn khoăn.
Theo tính toán của TS. Nguyễn Minh Phong, nếu gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được 4 ngân hàng quốc doanh triển khai thì mỗi năm, các Ngân hàng này sẽ phải dành 1.500 đến 2.000 tỷ đồng, đồng thời phải mất thêm chi phí để thực hiện. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để đẩy nhanh việc triển khai gói tín dụng này. “Đầu mối” của việc cho vay là các Ngân hàng được chỉ định, cần có cơ chế linh hoạt thì mới khắc phục được những vướng mắc về thủ tục như nhiều gói từng triển khai trước đó.
“Phần mà các Ngân hàng thương mại chịu như vậy thì Nhà nước có hỗ trợ như thế nào để tạo đồng lực? Riêng về mức lãi suất thấp hơn mức cho vay thông thường từ 1,5-2% tôi cho rằng hơi thấp một chút. Chúng tôi cho rằng, nên cân nhắc nới thêm để gói hỗ trợ này có thể đến gần hơn với công nhân lao động và người thu nhập thấp có được chỗ ở ổn định”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.
Trước hàng loạt vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng, giải pháp cấp thiết hiện nay là cần sớm gỡ bỏ các “nút thắt” do khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có được triển khai hiệu quả hay không, phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách mạnh về thủ tục hành chính. Một vấn đề quan trọng khác là phải ngăn chặn được tiêu cực phát sinh trong quá trình thực thi./.
Thành Trung/VOV1
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận