Để 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp không đi vào “vết xe đổ”
Ðể có cơ sở triển khai đại trà Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 (gọi tắt là đề án), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai mô hình thí điểm từ vụ hè thu 2024 tại 5 địa phương trong vùng gồm: TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Ðồng Tháp, Kiên Giang.
Trong đó, TP Cần Thơ là địa phương tổ chức triển khai đầu tiên với diện tích 50ha. Sau thời gian thí điểm, 50ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên của TP Cần Thơ đã chính thức thu hoạch. Hiệu quả đạt được không chỉ qua số liệu thống kê lợi nhuận kinh tế mà cả trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để mô hình này có thể nhân rộng lên 1 triệu héc-ta như kỳ vọng là quá trình nỗ lực từ các chủ thể liên quan.
Tăng lợi nhuận, giảm phát thải
Do đặc thù địa hình canh tác nên mọi năm, vụ lúa hè thu của Hợp tác xã (HTX) Tiến Thuận, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thường bị đổ ngã do mưa, ảnh hưởng tới năng suất. Thế nhưng năm nay, dù liên tiếp chịu các trận mưa giông kéo dài, lúa vẫn chắc cây, khỏe hạt. Nhìn những chiếc máy gặt đập liên hợp liên tục di chuyển trên cánh đồng vàng trĩu hạt, nối theo sau là máy cuộn rơm, máy chở lúa... anh Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận không giấu được niềm vui.
“Ban đầu khi được chọn làm mô hình thí điểm 50ha lúa chất lượng cao theo đề án, bà con xã viên rất lo lắng. Nông dân vốn quen gieo sạ khoảng 100-150kg lúa giống/ha, nhưng với mô hình này lượng giống giảm chỉ còn 60kg/ha nên bà con lo sợ sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch lúa, mọi người rất hài lòng không chỉ bởi năng suất, chất lượng lúa đạt cao mà còn giảm mạnh được nhiều chi phí đầu vào nhờ áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật theo đề án”, anh Khải chia sẻ.
Cùng với tăng năng suất, thực hiện đề án không những giúp cây lúa chắc khỏe mà điều quan trọng là từ thực tế đo đếm mực nước, canh tác lúa chất lượng cao, áp dụng quản lý nước và quản lý rơm rạ góp phần quan trọng giảm phát thải 2-6 tấn CO2/ha.
Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế IRRI (nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) nhận định, mô hình thí điểm của đề án được thực hiện với hai mục tiêu: Thông qua việc áp dụng các quy trình, kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị và như vậy sẽ tăng thu nhập cho người dân; thông qua quy trình canh tác giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giống gieo sạ và phân bón góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Qua thí điểm mô hình cho thấy, Việt Nam đang trên con đường thực hiện được hai mục tiêu trên và tiếp tục lan tỏa mô hình này tại các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và cả nước. Đồng thời, mô hình này đang đáp ứng được sự mong đợi của người trồng lúa có được thu nhập cao hơn, giảm thiểu những nguy cơ về ô nhiễm môi trường và đóng góp chung vào mục tiêu của thế giới về chống biến đổi khí hậu”.
Cách nào để nhân rộng kết quả thí điểm?
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định: “Đề án không chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật mà còn nâng cao hạ tầng cơ sở cho sản xuất hướng đến tổ chức lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, giá trị hạt gạo tăng lên, phát thải thấp đi và phát triển bền vững khu vực nông thôn.
Nòng cốt của đề án là hình thành các HTX, tổ chức nông dân, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo ở mức độ cao hơn về mặt giá trị, ổn định lâu dài và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Điều chúng tôi lo lắng hiện nay là việc xây dựng và củng cố các HTX cho đồng bộ với tốc độ của đề án. Cùng với đó, chúng tôi cần thêm các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ hơn. Như vậy, đề án không chỉ thành công ở TP Cần Thơ mà còn lan rộng ra toàn vùng ĐBSCL, tham vọng hơn là cả nước”.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cái khó là hiện nay chưa có công cụ, khung hệ thống đo đạc MRV (kiểm soát phát thải khí nhà kính) để phục vụ hoạt động giám sát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật...
“Địa phương cần nguồn lực để hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật trồng lúa, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm kiểm soát nước trên cánh đồng. Yêu cầu đến năm 2025 thực hiện thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng đạt 70%, hướng tới 100% năm 2030. Trong trường hợp bất khả kháng có thể thực hiện băm nhỏ rơm cung cấp lại cho đồng ruộng, cần triển khai kỹ, hết sức cụ thể mới có thể đạt tỷ lệ thu gom rơm này”, ông Minh nói.
Tham gia đề án, nông dân sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa, được vay vốn ngân hàng... với mục tiêu lợi nhuận bình quân đạt trên 35%. Khi nghe mục tiêu đề ra của đề án, hầu hết nông dân không giấu được sự phấn khởi, tuy nhiên cũng không ít người tỏ ra hoài nghi.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân thiếu sự tin tưởng. Bởi vì khoảng hơn chục năm trước, Bộ NN-PTNT cũng đã đưa ra đề án sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao nhưng cuối cùng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Cuối cùng, người nông dân vẫn thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” và không thể làm giàu từ cây lúa. Có không ít người từng tham gia các chương trình trồng lúa sạch nhưng rồi vẫn phải quay lại sản xuất theo phương thức truyền thống vì không có hiệu quả.
Để đề án không giẫm lên “vết xe đổ” của một số đề án từng nhận được kỳ vọng trước đây vướng phải, nhiều ý kiến cho rằng, mối liên kết 3 nhà: Nông dân; doanh nghiệp và Nhà nước cần phải thắt chặt hơn. Doanh nghiệp cần được trợ lực về vốn. Nhà nước thì cần sự quyết tâm cao để thực hiện đề án, đừng theo kiểu phong trào, hô hào rồi qua loa, chiếu lệ. Còn riêng nông dân, mọi tập quán canh tác và tâm lý sẽ thay đổi nếu không có thực tiễn chứng minh và đủ thuyết phục.
Thế nên đây là lúc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan bám sát địa bàn, đồng hành với người trồng lúa, thể hiện tốt nhất vai trò “kiến tạo” của mình qua từng phần việc được phân công để phát huy tối đa năng lực của người nông dân và các bên tham gia liên kết.
Từ thí điểm thành công, mô hình sẽ được áp dụng rộng rãi tại các địa phương vùng ĐBSCL và có khả năng mở rộng ra toàn quốc. Riêng với người trồng lúa, mong muốn của họ khi tham gia đề án đơn giản là làm sao để chi phí đầu tư thấp nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.
Bài và ảnh: THÚY AN
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận