Đầu tư gì sinh lời tốt hơn gửi tiết kiệm?
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi hạ nhiệt nhanh và mạnh, bên cạnh gửi tiết kiệm còn có các kênh nào?
Lãi suất tiết kiệm giảm khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh "cất" tiền. Với số tiền 10 tỷ đồng, không ít người cảm thấy thiệt thòi nếu gửi tiết kiệm. Bởi cùng tầm này năm ngoái, số tiền 10 tỷ có thể sinh ra cả trăm triệu tiền lãi nhưng hiện còn chẳng nổi 70 triệu đồng.
Với khoản tiền 10 tỷ đồng sắp đáo hạn, khách hàng suy nghĩ về việc phân bổ tiếp vào các kênh cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, bảo hiểm... thay vì "bỏ trứng vào một giỏ".
Lưu ý gì khi xác định danh mục đầu tư?
- Trước khi xác định danh mục đầu tư cho 10 tỷ đồng, bạn cần xác định các yếu tố như sau:
- Hiệu suất đầu tư mong muốn
Nếu bạn mong muốn đạt tăng trưởng bền vững 10%/năm, tài sản đầu tư của bạn không cần các lớp tăng trưởng mạnh mà có thể đầu tư mua đất dân sinh, chung cư đã bàn giao dưới 6 năm, trái phiếu...
Ngược lại, nếu con số bạn đang nhắm đến lên tới 15-20%/năm, bắt buộc tỷ trọng lớn phải đầu tư vào các lớp tăng trưởng mạnh như cổ phiếu, đất nông nghiệp...
- Mức độ chấp nhận rủi ro.
Với hiệu suất đầu tư mong muốn càng cao, bạn phải chấp nhận việc tài sản đầu tư của bạn sẽ có những giai đoạn giảm mạnh tương ứng. Nếu không chấp nhận được rủi ro, bạn nên xem xét lại mục tiêu hiệu suất đầu tư.
- Thời gian đầu tư và kế hoạch chi tiêu trong tương lai.
Việc lên kế hoạch chi tiết sẽ tránh được việc đang đầu tư phải bán tài sản hoặc rút tiền đầu tư, dẫn đến hiệu suất đầu tư không được như mong muốn.
- Phương án dự phòng bảo vệ tài chính.
Bạn cần chuẩn bị quỹ dự phòng khẩn cấp và mua các sản phẩm bảo vệ tài chính khác.
Quỹ dự phòng khẩn cấp là quỹ được sử dụng khi gặp các biến cố khiến mất/giảm đột ngột nguồn thu nhập hiện tại. Quỹ này nên tương ứng từ 3-6 tháng chi tiêu.
Nếu bạn có nhiều người phụ thuộc về tài chính (con cái, vợ chồng, cha mẹ, anh em...) hoặc công việc thiếu tính ổn định, sức khỏe không tốt... thì nên trích ít nhất số tiền tương đương 6 tháng chi tiêu vào quỹ dự phòng này.
Với quỹ này, bạn có thể gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng hoặc nếu số tiền này tương đối lớn (100 triệu đồng trở lên), bạn có thể chia ra làm 2 sổ, để kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng.
Với các sản phẩm bảo vệ tài chính khác, bạn có thể cân nhắc bảo hiểm nhân thọ. Bạn nên trích ra 5-8% thu nhập hàng năm để tham gia bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm sẽ hỗ trợ tài chính, giúp bạn và gia đình vượt qua các rủi ro bất ngờ như tai nạn, bệnh hiểm nghèo hoặc tử vong.
Rót tiền ra sao?
- Sau khi xác định các yếu tố ở trên, số tiền còn lại sẽ được phân bổ vào các lớp tài sản phù hợp với hiệu suất đầu tư mong muốn và mức độ chấp nhận rủi ro của bạn.
Cần lưu ý, một danh mục tài sản tốt cần đáp ứng 4 yếu tố sau:
- Tính hiệu quả về tỷ suất sinh lời
- Tính đa dạng của lớp tài sản trong danh mục
- Tính thanh khoản đề phòng trường hợp đột ngột cần tiền
- Tính tối ưu về rủi ro
- Nếu thu nhập hiện tại của bạn đã đủ để chi trả các chi phí hàng tháng, bạn không nên chỉ đầu tư vào các lớp tài sản tạo ra dòng tiền. Chẳng hạn, nếu chỉ đem đi gửi tiết kiệm, dòng tiền này sẽ bị "bào mòn" bởi lạm phát và ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư.
Còn nếu bạn đang có dòng thặng dư hàng tháng tốt, có thể cân nhắc vay khi tìm được các gói vay có lãi suất thấp hơn hiệu suất của tài sản đầu tư 3-4%. Tài sản của bạn sẽ phát triển nhanh chóng, ổn định.
- Lãi suất tiết kiệm hiện đã không còn hấp dẫn, tuy nhiên, một phần tỷ trọng vẫn nên để vào lớp tài sản này để danh mục của bạn cân bằng về thanh khoản và tối ưu về rủi ro.
Đối với chứng khoán, từ đầu năm, thị trường có mức định giá rẻ so với lịch sử. Việc đầu tư vào thị trường ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn nhưng về mặt dài hạn, thị trường vẫn còn hấp dẫn.
Với bất động sản, thị trường đang khó khăn, cộng thêm các yếu tố cộng hưởng như lãi suất cho vay vẫn còn cao, tính thanh khoản đang kém dẫn đến áp lực cho các nhà đầu tư. Nhiều bất động sản có mức giá rẻ hơn so với thị trường có thể đến quý IV tới hoặc quý I/2024 mới xuất hiện.
Nguyễn Thị Thùy Chi
(Theo dantri.com.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận