Đăng ký bảo hộ thương hiệu, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Câu chuyện gạo ST25 bị xâm phạm, mang đi đăng ký bảo hộ trước tại Mỹ là hồi chuông cảnh tỉnh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan đến vụ việc gạo ST25 của Việt Nam có nguy cơ bị doanh nghiệp tại Mỹ đem đi đăng ký thương hiệu, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với những quy định của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì vấn đề sở hữu trí tuệ là quyền lợi và trách nhiệm của bất cứ một doanh nghiệp. Sản phẩm được quảng bá và kinh doanh rộng rãi ở thị trường nước ngoài nhưng cũng cần được bảo vệ thương hiệu, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".
Theo luật sư Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Sipco, câu chuyện gạo ST25 bị xâm phạm, mang đi đăng ký bảo hộ trước tại Mỹ là hồi chuông cảnh tỉnh với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp đang mong muốn mở rộng thị trường tại nước ngoài, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Trên thực tế, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở phía Mỹ khác với Việt Nam. Tại Việt Nam, nguyên tắc ai là người nộp đơn đầu tiên thì sẽ được ưu tiên cấp bảo hộ thương hiệu thì tại Mỹ, ai sử dụng trước thì sẽ được ưu tiên cấp trước. Nếu trong trường hợp cơ quan đăng ký ở Mỹ đưa ra việc nhãn hiệu đã được một đơn vị khác đăng ký trước, thì cá nhân, tổ chức có thể khiếu nại và giải trình về việc họ mới là đơn vị sử dụng đầu tiên nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, đây là việc làm khá khó khăn và tốn chi phí.
“Trong trường hợp gạo ST25 sẽ phải chứng minh rằng mình là người đã sử dụng, là người nghĩ ra cái nhãn hiệu đó, thậm chí là người sáng chế ra sản phẩm đó, chứng minh kể cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế để công nhận là hết sức phức tạp nếu như trong trường hợp có người đã nộp đơn trước đó ở Mỹ rồi thì việc chứng minh cung cấp các dữ liệu về việc sử dụng vào Việt Nam và để cho cơ quan bên kia xem xét là rất phức tạp và trong nhiều trường hợp tốn rất nhiều chi phí, bởi vì phải thông qua một đơn vị đại diện ở Mỹ” - luật sư Trần Đức Sơn cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, các doanh nghiệp cần phải làm quen với việc nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu thương hiệu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế khi các ngành hàng nông sản ngày càng hội nhập sâu rộng và tích cực. Ông Nguyễn Quốc Toản khẳng định, gạo ST25 đã được Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bảo hộ về giống ở trong nước.
Đối với phạm vi quốc tế, nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân có nguyện vọng xuất khẩu vào thị trường nào thì hoàn toàn có thể đăng ký về mặt bản quyền và sở hữu trí tuệ ở thị trường đó. Khi đó việc vận hành của các nhãn hiệu hàng hóa nói chung, trong đó có nhãn hiệu sản phẩm nông sản sẽ được vận hành theo quy định về sở hữu trí tuệ của các nước bản địa. Trong trường hợp có tranh chấp pháp lý thì doanh nghiệp bị xâm hại phải có người đại diện pháp lý hoặc Văn phòng luật sư ở các nước bản địa để bảo vệ cho các quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp mình.
“Chúng tôi cũng đã có trao đổi cụ thể với Cục sở hữu trí tuệ để xác minh các thông tin về mặt hồ sơ tại các cơ quan sở hữu trí tuệ của Mỹ để xác nhận tình trạng pháp lý của các doanh nghiệp đối với vấn đề mà đăng ký nhãn hiệu gạo ST25. Đồng thời cũng đã trao đổi với kỹ sư Hồ Quang Cua cũng như các đơn vị liên quan để tư vấn hỗ trợ trong việc mà xây dựng nhãn hiệu này ở những vùng thị trường có liên quan. Để làm sao giúp cho các doanh nghiệp trong nước đăng ký bảo hộ bản quyền” - ông Nguyễn Quốc Toản nói.
Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ đã chia sẻ với một số cơ quan thông tấn báo chí về việc bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm gạo nói chung và gạo ST25 nói riêng. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, ST25 là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm (gạo) cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận