Đã đến lúc chín muồi để xây đường sắt tốc độ cao
Dự án đường sắt tốc độ cao có thể coi là dự án có nhiều kỷ lục. Đây là dự án được “thai nghén” lâu nhất-18 năm, dự án được "nâng lên, đặt xuống" nhiều nhất, cũng là dự án có tổng giá trị đầu tư lớn nhất, có quy mô lớn nhất và chưa từng có tiền lệ đầu tư tại Việt Nam. Đây đã là thời điểm chín muồi để triển khai siêu dự án này. Đó là vấn đề được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phân tích rất kỹ trong buổi họp báo diễn ra vào chiều muộn ngày 1-10 tại Hà Nội.
18 năm cân nhắc kỹ lưỡng
Bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2006, trong 18 năm qua, dự án đường sắt tốc độ cao đã trải qua 4 lần lập báo cáo.
Lần lập báo cáo đầu tiên được tiến hành bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Báo cáo được lập dưới dạng báo cáo nghiên cứu, trong đó đã xác định đường sắt cao tốc Bắc-Nam là đường đôi, đường ray có khổ 1.435mm, áp dụng công nghệ điện khí hóa, với tốc độ thiết kế là 350km/giờ và tốc độ khai thác là 300km/giờ.
Lần lập báo cáo thứ hai được tiến hành bởi liên danh tư vấn Việt Nam-Nhật Bản, chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo bản báo cáo này, tổng mức đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh là 55,8 tỷ USD. Báo cáo nhận được sự tán thành của các cơ quan hữu quan, nhưng khi đưa ra Quốc hội quyết định, dự án đã không được thông qua tại phiên họp diễn ra vào chiều 19-6-2010 vì 3 nhóm vấn đề chính:
Nhóm vấn đề thứ nhất, đại biểu Quốc hội băn khoăn về nguồn lực cho dự án. Đó là thời điểm nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008. Nợ công năm 2010 chiếm tới 54,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Do vậy, nguồn lực là một thách thức rất lớn với nước ta nếu tiến hành dự án đường sắt cao tốc. Nhóm vấn đề thứ hai là về tốc độ. Có đại biểu Quốc hội cho rằng, tốc độ tới 300km/giờ là ý tưởng quá lãng mạn và “sẽ phải trả giá đắt” khi xảy ra dù chỉ một sự cố, bởi đường sắt cao tốc chủ yếu nằm trên cầu cạn và hầm, trong khi nước ta có địa chất rất phức tạp. Nhóm vấn đề thứ ba là những băn khoăn về công năng vận tải. Các đại biểu băn khoăn nhiều về việc đường sắt cao tốc dùng để vận chuyển hành khách liệu có mang lại hiệu quả kinh tế cao không nếu so với tổng mức đầu tư rất lớn như vậy, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân còn thấp, ít người đáp ứng được khả năng tài chính để đi tàu với giá vé bằng khoảng 74% giá vé máy bay.
Cuối cùng, dự án đã bị Quốc hội bác thông qua, vì tỷ lệ tán thành chỉ đạt 37%.
Bản báo cáo thứ ba được lập trong giai đoạn 2011-2013 với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Bản báo cáo này tiếp tục xác định đường sắt cao tốc được xây dựng mới với khổ đường ray 1.435mm, đường sắt đôi và chỉ vận chuyển hành khách.
Bản báo cáo thứ 4 được tiến hành từ năm 2015. Lần này, chữ “đường sắt cao tốc” trong các dự án trước đây được đổi tên thành “đường sắt tốc độ cao”. Theo báo cáo này, đường sắt tốc độ cao Hà Nội-TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 1.545km, đường sắt đôi, khổ đường ray 1.435mm, áp dụng công nghệ điện khí hóa với tốc độ chạy tàu thiết kế là 350km/giờ, tốc độ khai thác là 320km/giờ. Tàu tốc độ cao sẽ được dùng để vận chuyển hành khách và hàng hóa nhẹ. Tổng mức đầu tư của dự án là 67,34 tỷ USD. Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ chạy qua 20 tỉnh, thành phố, bố trí 23 ga đón-trả khách. Thời gian tàu chạy từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh là khoảng 5 giờ 30 phút với giá vé bằng khoảng 60% giá vé máy bay.
Đã đến lúc chín muồi để xây dựng đường sắt tốc độ cao
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dự án đường sắt tốc độ cao đến nay đã có đầy đủ cơ sở chính trị (chủ trương của Đảng), cơ sở pháp lý (các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và quy hoạch ngành quốc gia) và cơ sở thực tiễn (sự cần thiết, nguồn lực...).
Nói về sự cần thiết đầu tư đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nêu rõ, việc đầu tư dự án sẽ giúp tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, đầu tư dự án này nhằm bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc-Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải, góp phần giảm chi phí logistics; tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyến đường sắt tốc độ cao tạo thêm một trục dọc để cơ động tác chiến trong trường hợp có tình huống khẩn cấp, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh.
Nhấn mạnh rằng không có sự tương đồng về quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia tại thời điểm họ đầu tư đường sắt tốc độ cao, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải viện dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) để nêu quan điểm “đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đầu tư đường sắt tốc độ cao”. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam đã đạt 4.282USD, cao hơn nhiều nước khi quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án dự kiến được triển khai từ năm 2027 đến 2035, bố trí vốn trong 12 năm, mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% kinh phí đầu tư công. Dự án đáp ứng chỉ tiêu về nợ công. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án sẽ đóng góp 0,97 điểm phần trăm/năm vào tăng trưởng GDP trong thời gian xây dựng. Dự án mang lại nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD (nhà ga, nơi tập kết tàu, hành lang đường sắt...) và khai thác thương mại dự kiến khoảng 22 tỷ USD mỗi năm; giảm ô nhiễm môi trường giúp tiết kiệm khoảng 172 triệu USD/năm; tiết kiệm khoảng 1.906 triệu USD/năm từ giảm tai nạn giao thông; tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ...
Trấn an về khả năng bị “chủ nợ ODA ràng buộc về công nghệ, nhà thầu”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết chủ trương là triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, nguồn vốn trong nước. “Tùy theo cân đối của Chính phủ, có thể Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn trong nước và vay nước ngoài với điều kiện về ưu đãi, ít ràng buộc, cốt yếu nhất là phải chuyển giao công nghệ”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) nhấn mạnh tới yếu tố lưỡng dụng của đường sắt tốc độ cao. Theo đó, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đường sắt tốc độ cao cũng được nghiên cứu để phục vụ yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Đây cũng là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp của Thường trực Chính phủ ngày 11-7 vừa qua để cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ tám diễn ra vào tháng 10 tới.
CHIẾN THẮNG
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/da-den-luc-chin-muoi-de-xay-duong...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận