CPTPP sẽ tác động thế nào tới từng ngành?
Ngày 14/1/2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam, nhưng cơ hội và thách thức của các ngành nghề, lĩnh vực là rất khác nhau.
Với ngành dệt may, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi là thách thức không nhỏ. |
Dệt may: Thách thức từ yêu cầu xuất xứ
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, CPTPP có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành dệt may vì giúp thuế quan giảm, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, trong đó thị trường được kỳ vọng nhất là Canada và Australia. Riêng Nhật Bản đã có hiệp định song phương với Việt Nam từ trước nên không hy vọng tăng trưởng nhiều.
Mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện nay trung bình là trên 10%, khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0%. Khi đó, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ hiệp định này, khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua không hề nhỏ.
Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng doanh nghiệp cần tìm hiểu những nội dung liên quan tới ngành từ CPTPP về quy định, thủ tục hải quan, logistic của các nước, đồng thời bản thân doanh nghiệp ý thức tự vươn lên và liên kết để nâng cao chất lượng sản xuất. Hơn nữa, Nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng, giảm thiểu thủ tục hành chính để tránh được sự "lép vế" của doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà.
Với năng lực, trình độ may hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật không phải là vấn đề lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt, nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ vì Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu (ngoài khu vực CPTPP).
Nhận định về cơ hội của ngành da giày khi CPTPP có hiệu lực, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, CPTPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng cho Việt Nam như Mexico và Canada.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, xét một cách tổng thể, CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, không chỉ tạo ra lợi thế về ưu đãi thuế quan mà còn giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành da giày nói riêng thông qua việc thúc đẩy cải cách thể chế.
Nông lâm thủy sản: Ngành gỗ hưởng lợi nhiều từ thuế quan
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành gỗ được cho sẽ có nhiều cơ hội hơn là thách thức từ CPTPP và hưởng lợi nhiều từ thuế quan.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, CPTPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh xuất khẩu khi các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6% đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0% ngay lập tức.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), CPTPP sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru…
Còn ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) đánh giá, thuế với sản phẩm gỗ không quan trọng bằng các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0. Đây chính là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ với hiệp định này.
Với các nông sản khác, theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các nhóm mặt hàng nông sản chế biến Việt Nam sẽ phải đối mặt với khả năng cạnh tranh cao như rau quả chế biến, sản phẩm chăn nuôi chế biến, bơ sữa...
Tuy nhiên Việt Nam cũng có lợi thế về sản xuất nông thủy sản nhiệt đới với lợi thế sản xuất có khả năng cạnh tranh cao, giá thành thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, năng suất cao, nguồn nhân lực rẻ hơn các thành viên khác…
Bên cạnh cơ hội cũng luôn luôn đi kèm với thách thức. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam. Ngành sẽ phải đẩy nhanh quá tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Đặc biệt, chú trọng đến triển khai quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu ngành theo tiểu ngành, các vùng nhằm thức đẩy phát triển nông sản hàng hóa.
Ngành thép sẽ chịu tác động ra sao?
Là ngành được dự báo cũng chịu tác động của CPTPP, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, mặc dù ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng tốt nhưng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2019 này.
Bởi nhu cầu thép trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Một số dự án đầu tư công tạm dừng và chưa rõ thời điểm triển khai lại, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Nguồn cung lớn hơn cầu về phôi thép, thép xây dựng, tôn mạ và tiếp tục gia tăng dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá. Khoảng cách giá nguyên liệu và sản phẩm cũng ngày càng thu hẹp khiến hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất từ thép dài và thép dẹt sẽ bị sụt giảm nhiều trong năm 2019.
Mặc dù hội nhập, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nhưng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thép. Việc áp các mức thuế chống bán phá giá từ các thị trường Mỹ, Canada, EU, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... khiến cho xuất khẩu thép của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp. Giá điện có thể tăng trong năm 2019 cũng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí giá thành của các đơn vị, trong khi đó giá đầu ra bị hạn chế do nguồn cung dư thừa...
Vì vậy, CPTPP được đánh giá mặc dù mở ra nhiều cơ hội, nhưng mặt ngược lại, ngành thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn do những tác động khách quan và cả chủ quan nội tại còn yếu kém. Đơn cử như việc xây dựng kế hoạch tại một số đơn vị cơ sở, xây dựng các chỉ tiêu còn thiếu vững chắc, mang định tính. Do vậy, chỉ thời gian ngắn sau đó, nhiều đơn vị phải xin điều chỉnh bổ sung kế hoạch, đầu tư, sản xuất, tiền lương... Chỉ riêng yếu tố này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thép thua kém khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong hội nhập.
Thành Đạt
(tổng hợp)( nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận