Công ty pin Trung Quốc chi 3.500 tỷ đồng mua cổ phần VinFast
Gotion, nhà sản xuất pin Trung Quốc, đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của VinFast với giá 10 USD/cổ phiếu. Giá trị thương vụ lên tới 150 triệu USD (khoảng 3.540 tỷ đồng).
Theo bản cáo bạch của VinFast ngày 30/6, hãng xe điện này đã ký kết thỏa thuận giao dịch cổ phần với Gotion Inc.
Cụ thể, nhà sản xuất pin Trung Quốc đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của VinFast với giá 10 USD/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ là 150 triệu USD (khoảng 3.540 tỷ đồng), tương đương tỷ lệ sở hữu 0,7% vốn điều lệ của VinFast.
Giao dịch này được hoàn tất sau khi kết thúc hợp nhất kinh doanh của VinFast và Black Spade và Gotion được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Gotion là thành viên của Gotion High-Tech, công ty chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh pin lithium ion dành cho xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng.
Được thành lập bởi công ty mẹ là Hefei Guoxuan High-Tech Power Energy (Gotion High Tech), doanh nghiệp sản xuất pin hàng đầu của Trung Quốc, Gotion là một công ty chuyên thiết kế các giải pháp năng lượng.
Gotion có trụ sở tại California (Mỹ), với nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Ấn Độ. Doanh nghiệp này nổi bật với việc sở hữu công nghệ sản xuất pin LFP giá rẻ, phù hợp với các dòng xe ô tô điện phân khúc nhỏ và vừa.
Gotion cũng là công ty hợp tác với Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VinES trong dự án nhà máy liên doanh sản xuất pin lithium khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng với công suất 5 GWh/năm
Tỷ lệ góp vốn dự án của VinES là 49%, còn lại Gotion chiếm 51%. Mục tiêu của dự án là phát triển và sản xuất pin sạc được sử dụng chủ yếu trong xe điện và hệ thống lưu trữ điện năng.
Ngày 15/8 vừa qua, VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq sau khi hoàn thành sáp nhập với Black Spade.
Tại lễ chào sàn chứng khoán Mỹ, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy chia sẻ, việc trở thành công ty niêm yết tại Mỹ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển toàn cầu của doanh nghiệp. Không chỉ đơn thuần là việc đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, mà đây còn là niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn và tiềm năng của VinFast.
Theo bà, việc niêm yết thành công này mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới và hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai.
Chia sẻ về việc cổ phiếu VFS tăng mạnh ngày chào sàn, CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy cho biết nguyên nhân giá VFS tăng mạnh trên sàn Nasdaq chủ yếu là thanh khoản thấp, khối lượng cổ phiếu giao dịch rất khiêm tốn, trong khi nhu cầu lại cao.
Trên thực tế, lượng lớn cổ phiếu do tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng cổ đông nội bộ nắm giữ không giao dịch, theo đó, lượng chuyển nhượng cổ phiếu trong phiên đầu tiên tại VFS là do các nhà đầu tư mua đi bán lại nhiều lần.
Sau 4 ngày giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS đã lùi về ngưỡng 15,4 USD/cổ phiếu và mất hơn 58% so với mức giá 37,11 USD/cổ phiếu ngày đầu lên sàn. Điều này khiến tổng giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast "bốc hơi" gần 50 tỷ USD, xuống còn 35 tỷ USD.
(Theo dantri.com.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận