Chỉ đưa hàng lên biên giới khi đã có địa chỉ nhận
Đợt ùn tắc hiện nay, theo Bộ Công Thương nhận định, có nguyên nhân trực tiếp từ các biện pháp chống dịch của phía Trung Quốc như: Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu thông thường rất lớn như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Với những cửa khẩu còn tạm thời mở cửa (như Hữu Nghị, Chi Ma, Hoành Mô), quy trình giao nhận hàng hóa được siết rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.
Ngoài giải pháp nêu trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục thường xuyên cập nhật, đưa tin về tình hình, diễn biến giao nhận, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan, trao đổi với các cấp chính quyền của Trung Quốc để tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thương, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp, thương lái chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường số và dựa trên các nền tảng số tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương chủ động báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho mở lại các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc để khôi phục hoạt động giao thương ngay khi xuất hiện tình trạng ùn tắc hàng hoá nông sản tại biên giới.
Đồng thời chủ động xây dựng và đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ GTVT thông qua quy trình vận chuyển, lưu thông, hướng dẫn thiết lập luồng vận tải ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, cũng như quy trình kiểm soát, phòng, chống dịch thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía bắc và trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cập nhật, đưa tin thường xuyên về quy định mới của thị trường Trung Quốc, diễn biến thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan, qua đó kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề phát sinh.
Trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm tới các cơ quan Trung Quốc để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt – Trung.
Mới đây, ngày 24/12/2021, Bộ Công Thương đã có Công hàm gửi tới Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam để trao đổi, đề nghị các Đại sứ quán thông tin tới các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phía bạn cân nhắc việc đưa hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để tránh các rủi ro không đáng có, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần khắc phục, giảm tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. UBND các tỉnh cũng cần chủ động trao đổi với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế; giao hàng tại các tỉnh khác (như Cao Bằng) để giảm ùn ứ tại Lạng Sơn và chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác (như đường sắt, đường biển).
Phan Trang( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận