Chăn nuôi gặp khó vì dịch
Nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An bùng phát dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con, bởi đây là thời điểm cuối năm, nhiều hộ đang tái đàn để phục vụ Tết Nguyên đán.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh tại huyện Diễn Châu,Yên Thành, Quỳ Hợp khiến người dân lo lắng.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn 16 xã. Trong đó, số lợn phải tiêu hủy lên đến gần 300 con, có trọng lượng hơn 15 tấn. Diễn Thái là xã có số lợn bị tiêu hủy nhiều nhất, dịch xảy ra tại 6 xóm, số lợn phải tiêu hủy 20 con; xã Diễn Nguyên có 3 xóm xảy ra dịch, số lợn đã tiêu hủy 20 con; xã Diễn Hoa có 3 xóm xảy ra dịch, tiêu hủy 16 con lợn… Dịch tả lợn tuy có kiểm soát, nhưng tính đến chiều ngày 23/10, tại huyện Diễn Châu vẫn còn 10 xã đang có dịch gồm: Diễn Thái, Diễn Hoa, Diễn Nguyên, Minh Châu, Diễn Đồng, Diễn Kỷ, Diễn Lợi, Diễn Phúc, Diễn Quảng và Diễn Yên.
Trở lại tái đàn từ tháng 5/2023, hộ ông Lê Văn Thắng (xã Diễn Thái) nuôi tổng cộng 30 con lợn. Ông mong muốn, đàn lợn sẽ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập vào dịp tết. Nhưng rồi dịch bùng phát, toàn bộ 30 con lợn phải tiêu hủy. “Việc tiêu hủy đàn lợn, gia đình thực hiện đúng chủ trương. Tuy nhiên nhìn đàn lợn, nhất là 20 con lợn thịt gần xuất chuồng phải mang đi tiêu hủy, tôi thật sự xót xa. Người dân mong được Nhà nước có chính sách cho những hộ nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi, không những đỡ phần nào vốn bỏ ra ban đầu, mà còn có thế tái đàn sớm” - ông Thắng nói.
Trong khi đó, tại địa bàn huyện Yên Thành, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở 11 xã, thị trấn. Theo ông Nguyễn Trọng Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn đã có 534 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng hơn 21 tấn. Các xã được phát hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Yên Thành gồm xã Hùng Thành, Hậu Thành, Văn Thành, Hoa Thành, Phúc Thành, Tây Thành, Đô Thành, Bắc Thành, Phú Thành, Tiến Thành và Tăng Thành. Ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương lập tức tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh. Tiếp đó thực hiện phun khử trùng tại các địa điểm phát hiện dịch bệnh.
Cũng theo ông Hương, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Yên Thành là hơn 82.500 con. Trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi cần thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn lợn.
Còn tại huyện Quỳ Hợp, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng bùng phát từ cuối tháng 9 đến nay tại xã Đồng Hợp.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp cho biết: Dịch tả lợn diễn ra gần 2 tháng nay, khiến 90 con lợn, với trọng lượng hơn 7 tấn phải tiêu hủy. “Chúng tôi đưa ra nhiều khuyến cáo cho các hộ dân chăn nuôi tuân thủ các quy định phòng, chống, tránh để tái phát cũng như để dịch lan rộng” - ông Lâm cho biết thêm.
Ông Đặng Văn Minh - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện tại dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại địa bàn các huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳ Hợp. Đơn vị cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng.
Theo ông Minh, nguyên nhân tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi là do các địa phương có tổng đàn lớn, bà con chăn nuôi theo nông hộ nhỏ lẻ chiếm phần lớn. Tình trạng người dân chung đụng mổ lợn nhiều, trong đó có những nơi bà con mổ cả lợn ốm, khiến dịch bệnh lây lan. Mặt khác, sau đợt mưa lụt vừa qua, nguồn nước lũ đổ về 2 địa phương này khiến môi trường không đảm bảo, mầm bệnh dịch có cơ hội bùng phát.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, sắp tới có thể có các đợt rét đậm, rét hại bất thường làm giảm sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan rất cao. Vì thế, ngay khi phát hiện vật nuôi có biểu hiện nhiễm bệnh, bà con cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Được biết, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng hơn 950 nghìn con, nếu dịch bùng phát trên diện rộng sẽ gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế.
( Nguồn: http://daidoanket.vn/chan-nuoi-gap-kho-vi-dich-5742092.html)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận