Cẩn trọng “sập bẫy” sàn giao dịch tài chính ảo
Một chế tài xử phạt nghiêm minh và cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ sàn giao dịch tài chính ảo là điều cần được các cơ quan chức năng thực hiện nhanh chóng.
Thời gian gần đây, một số sàn đầu tư tài chính 'ma' đột ngột biến mất; điều này khiến những người trót đầu tư vào các sàn này rơi vào cảnh "đứng ngồi không yên". Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nhà đầu tư không hiểu biết kĩ về thị trường tài chính cần cẩn trọng với tất cả những sàn đầu tư tài chính, nhất là những sàn liên quan đến tiền ảo, ngoại hối do có thể “sập bẫy” bất cứ lúc nào.
Cuối tháng 4 vừa qua, tại TPHCM, trong vòng chưa đầy 1 tuần đã có hàng ngàn người báo mất tiền từ vụ việc sàn tài chính Coolcat có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Đầu tháng 5 lại thêm một sàn giao dịch có tên Busstrade cũng “biến mất”.
Theo đó, website của sàn giao dịch này bất ngờ bị "sập" khiến nhà đầu tư không thể đăng nhập vào tài khoản, trong khi các cấp lãnh đạo thì không thể liên lạc được. Những người đầu tư đã không thể rút tiền về... Mặc dù đã có những lời cảnh báo đưa ra cho những người đầu tư về độ rủi ro lớn của các sàn tài chính, song vì số tiền lợi nhận cao mà nhiều người đánh “cược” vào may rủi và cuối cùng trắng tay.
Chưa bao giờ, những lời mời chào tham gia vào các sàn đầu tư tài chính trở nên dễ dàng như hiện nay. Thông qua mọi hình thức như điện thoại, website, Facebook, zalo... nhiều lời chào mời được đưa ra với mức hấp dẫn về lợi nhuận lên tới 30% trong tháng.
Thực tế thời gian qua, các sàn giao dịch ngoại hối, vàng, tiền ảo hay còn gọi là sàn "tài chính ma" phát triển “nở rộ”. Sàn này sập, sàn khác xuất hiện, tài sản bị lừa đảo của người bị hại lên đến con số hàng trăm tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đánh vào lòng tham của người dân, nhiều sàn đầu tư tài chính đã giăng ra một cái bẫy để các nhà đầu tư “nhảy vào”. Lúc đầu các nhà đầu tư thường được trả lãi đúng kỳ hạn; nhưng chỉ sau một thời gian khi mà nhà đầu tư bỏ ra một số tiền lớn, các sàn này bất ngờ bị giật sập khiến nhiều người rơi vào cảnh trắng tay.
“Đây là một cảnh cáo cho tất cả mọi người tham gia vào cái sàn giao dịch đầu tư tài chính như Forex, tiền ảo. Nếu không rõ người mình giao dịch, chỉ thông qua các trang mạng, qua những thông tin thiếu cơ sở để gửi tiền cho họ thì đây là một cái bẫy và có lẽ 99% là sẽ bị giật sập và sẽ mất tiền”, ông Hiếu cảnh báo.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty luật Hồng Bách và cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội, trên thị trường tài chính tiền tệ một số nước đã thừa nhận hoạt động đối với đồng tiền ảo, tuy nhiên tiền ảo hiện không được thừa nhận tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an đã có khuyến cáo đối với các loại hình này, do đó người dân cần phải hết sức thận trọng.
“Nhà nước ta chưa thừa nhận và chưa đưa vào hệ thống quản lý, vận hành đồng tiền ảo, do đó tất cả các giao dịch nếu có phát sinh không được pháp luật bảo vệ trên lãnh thổ của Việt Nam. Người dân và các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này cần phải hết sức thận trọng, bởi tham gia vào một thị trường không có sự bảo hộ của Nhà nước và pháp luật, nếu có phát sinh các tranh chấp sẽ không có cơ chế pháp lý để bảo vệ cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, chúng ta cần phải hết sức thận trọng khi có ý định tham gia đầu tư kinh doanh hoặc một hình thức nào đó liên quan tới tiền ảo”, Luật sư Bách đưa ra khuyến nghị.
Trên thực tế, cảnh báo đã được các chuyên gia và cơ quan quản lý đưa ra, nhưng thị trường vẫn luôn có những vụ việc và nạn nhân mới. Do đó, một chế tài xử phạt nghiêm minh và cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ những vấn đề này là điều cần được các cơ quan chức năng thực hiện nhanh chóng. Việc có thể làm ngay là tuyên truyền, nâng cao ý thức về tài chính cho người dân./.
Nguồn VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận