Bộ Công Thương kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi xuất khẩu khó khăn bởi nCoV
Hiện nay, dịch bệnh do nVcO gây ra đang diễn biến hết sức phức tạp. Trung Quốc và nhiều nước khác, trong đó có nước ta, đã chính thức công bố tình trạng dịch bệnh và áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để hạn chế tốc độ lây nhiễm. Do vậy, hoạt động XNK cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn.
Ảnh minh họa
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, chợ biên giới mở chậm hơn thường lệ, trước mắt là đóng đến ngày 8/2/2020 khiến trao đổi cư dân bị gián đoạn trong khi đây vẫn là hình thức trao đổi quan trọng đối với một số nông sản của ta, nhất là trái cây. Khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam như thường lệ nên không có đơn hàng mới mặc dù một số chủng loại trái cây đã vào vụ. Đàm phán mở cửa chính thức thị trường nông sản (như sầu riêng, chanh leo) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách đang diễn biến thuận lợi nhưng nhiều khả năng bị đình trệ do các đoàn chức năng của Trung Quốc không sang được Việt Nam.
Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động XNK là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản. Mặt hàng trái cây chịu sức ép thời vụ và bảo quản (cao su, cà phê, tinh bột sắn và thủy sản đỡ hơn) nên khó xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương kiến nghị: Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp như: Chỉ đạo hệ thống Thương vụ vào cuộc (nhiều Thương vụ đã có lịch làm việc với khách trong tuần này), yêu cầu các doanh nghiệp logisctics tham gia giúp đỡ bảo quản nông sản trong thời gian chờ xuất khẩu.
Khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.
Tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc động viên và tổ chức kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn như Bình Thuận, Long An. Kêu gọi người dân chung tay ủng hộ nông dân trong nước.
Đồng thời hướng dẫn và động viên các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng có đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tạo thuận lợi cho việc chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức. Khuyến nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản và cung cấp đủ điện cho các container lạnh.
CT( Nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận