Bộ Công Thương "bắt tay" với VCCI hỗ trợ doanh nghiệp
Sáng 7/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động.
Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao chương trình phối hợp giữa hai bên và cho rằng thời gian qua VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, VCCI đã tập hợp trong tổ chức của mình một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sự phối hợp, đồng hành này của VCCI với Bộ Công Thương là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp đồng thời cũng là một kênh thông tin vô cùng quan trọng giúp các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương có cơ hội được trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta đang bước vào một “trạng thái bình thường mới” với nhiều khó khăn và thách thức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, với tinh thần quyết tâm cao để thực hiện tốt, có hiệu quả các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Trên tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương đã trao đổi, thống nhất với VCCI về việc hai bên khẩn trương xây dựng một Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Chương trình phối hợp lần này là một Chương trình phối hợp toàn diện, bao trùm với 3 trụ cột hành động chính, gồm hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp và tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để cụ thể hóa các trụ cột này, Chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành công thương như công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ hai bên sẽ cụ thể hóa hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động theo Chương trình công tác từng năm.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ hợp tác, để giúp doanh nghiệp ứng phó với những khó khăn về tiếp cận thị trường do COVID-19 gây ra, Bộ Công Thương đã xây dựng một số đề án xúc tiến thương mại tinh gọn, lên kế hoạch chi tiết và có phương án triển khai cụ thể để triển khai nhanh các hoạt động xúc tiến, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian qua, cùng với sự phối hợp của VCCI, Bộ Công Thương đã tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội để góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương luôn nỗ lực thực hiện công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn nhận trong thời gian qua Bộ Công Thương là một trong những bộ đi đầu trong việc thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách thể chế, hướng tới lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp và cũng là bộ tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, lãnh đạo VCCI cũng đề nghị các bộ ngành liên quan tăng cường phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để tận dụng tốt các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ông Lộc đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với VCCI để chủ động giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng mới, cũng như có chiến lược chinh phục thị trường nội địa.
Phan Trang( Nguồn chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận