Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa: CNC không phải là công ty nghiệp vụ của C50
Cựu Cục trưởng khẳng định, C50 không liên quan gì tới CNC. CNC không phải là công ty bình phong, không phải công ty nghiệp vụ, không được công nhận.
Sáng nay (20/11), sau phần thẩm vấn đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh, HĐXX tiếp tục chuyển sang thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50.
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết mình gặp Nguyễn Văn Dương trong lễ hội đền Trần. Khi đó, Nguyễn Thanh Hóa mới chỉ biết về Nguyễn Văn Dương rất thân với GĐ Công an Nam Định. Bị cáo Hóa cho biết mình không có bất kỳ mâu thuẫn cá nhân gì với Dương.
Về mối quan hệ với ông Hoàng Xuân Phóng, Nguyễn Huy Lục, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết trước đây cùng công tác với bị cáo tại Tổng cục Cảnh sát; cùng bị cáo Hóa trực tiếp điều tra nhiều vụ án về tội pham tham nhũng. Khi bị cáo Hóa được điều về giữ chức vụ Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), hai ông Phóng – Lục tình nguyện đi theo bị cáo Hóa.
Theo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa: bị cáo được bổ nhiệm Cục trưởng năm 2009; chức năng cụ thể theo QĐ 450 ban hành đầu năm 2010 có 9 nhiệm vụ, Cục trưởng chịu toàn bộ trách nhiệm tại C50.
Trước câu hỏi: “Ai là người đề xuất Dương thành lập CNC?”, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nói: “Đây là một vấn đề dài cho phép tôi được giải trình”.
Theo bị cáo Hóa: Sau khi tôi được phân công về cục, quân số lúc đó 30 người, là một đơn vị mới ở Tổng cục Cảnh sát, chưa có máy móc thiết bị, chưa có quan hệ, chưa xây dựng được hành lang pháp lý. Mãi đến 2011, lúc đó mới chỉ có 5 điều được ghi trong luật về phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Nhiệm vụ số 9 về việc C50 phải thành lập một công ty bình phong, nghiệp vụ vì bận nhiều việc nên đến thời điểm trước khi CNC ra đời, bị cáo vẫn lãng quên đi chưa thực hiện được.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa tiếp tục khai: Sau đó 1 thời gian, tôi gặp anh Vĩnh, anh Dương ở 40 Hàng Bài, anh Vĩnh nói với tôi về Dương khi đó đang làm UDIC là người tuy làm xây dựng nhưng rất đam mê, am hiểu công nghệ và bảo tôi làm tờ trình để Tổng cục duyệt về việc thành lập công ty bình phong giao cho Dương phụ trách.
Tôi về họp đơn vị và thống nhất lại, giao trưởng phòng tham mưu tìm hiểu cho tôi tất cả những quy định pháp luật và những đơn vị đã thành lập các công ty bình phong”. Nhưng khi đó, đó là bí mật nội bộ không có hướng dẫn cụ thể gì, mà thành lập công ty phải có tiền mà trong khi đó mình không có.
Trả lời thẩm vấn HĐXX, Nguyễn Thanh Hoá (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao- C50) cho biết, ông là người ký tờ trình báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát về việc thành lập công ty nghiệp vụ. Trong tờ trình nêu rõ, C50 góp 20% vốn vào công ty nghiệp vụ và cử người tham gia. Sau khi được phê duyệt của các cấp lãnh đạo về việc thành lập công ty nghiệp vụ, C50 và Công ty CNC ký biên bản ghi nhớ về việc, C50 góp 20% vốn vào Công ty CNC và cử người tham gia. Nhưng sau khi có quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh về việc thành lập Công ty CNC làm công ty nghiệp vụ, thì C50 nhận thấy không có khả năng góp 20% như dự tính ban đầu. Vì thế, ông Hoá đã nói lại với Nguyễn Văn Dương và báo cáo với ông Phan Văn Vĩnh. Theo ông Hoá, việc C50 không góp vốn với Công ty CNC có thể hiểu rằng, CNC không phải là công ty nghiệp vụ của C50 mà chỉ là một công ty bình thường.
CNC là công ty nghiệp vụ
Ông Hoá lý giải về việc “Tại sao C50 không ra văn bản thông báo chấm dứt hợp tác với Công ty CNC do không có vốn góp?” là vì C50, cụ thể là ông sơ suất do chưa kịp thời ra văn bản vô hiệu hoá biên bản ghi nhớ hợp tác ở thời điểm đó. Chủ toạ hỏi ông Hoá “Từ khi Công ty CNC và C50 ký biên bản thoả thuận cho đến khi vụ án bị phát hiện thì C50 có được Công ty CNC chia lợi nhuận không?”. Ông Hoá khảng định, điều đó không có. Tôi cũng nói với bị cáo Nguyễn Văn Dương rằng, chúng tôi (C50) không hợp tác với Công ty CNC của anh nữa. HĐXX gọi bị cáo Dương đối chất, Dương đề nghị HĐXX xem xét lời khai của bị cáo trong hồ sơ vụ án, vì bị cáo không muốn nói lại điều này.
Giải thích về việc “CNC không là công ty nghiệp vụ của C50 nhưng vẫn gửi báo cáo lên C50?”, ông Hoá cho biết, Công ty CNC hoạt động trong lĩnh vực do C50 quản lý nên Công ty CNC phải báo cáo C50 là việc bình thường, vì báo cáo để C50 kiểm soát. “Tôi nói với anh Dương, Công ty CNC hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ C50 không hướng dẫn, chỉ đạo CNC hoạt động riêng. Chúng tôi chỉ sử dụng Công ty CNC khi thực hiện biện pháp nghiệp vụ, chứ không phải C50 thường xuyên chỉ đạo công ty thực hiện theo ý mình”, ông Hoá nói.
Về quan hệ của C50 với Công ty CNC, ông Hoá cho biết “Tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất về Công ty CNC. Và tôi đã khẳng định trong văn bản do mình ký, C50 phối hợp với Công ty CNC để hoạt động nghiệp vụ. Chứ tôi không ký văn bản nào thể hiện rằng, CNC là công ty nghiệp vụ của C50”.
Về việc Công ty CNC và Công ty VTC Online ký hợp đồng hợp tác hoạt động cổng thanh toán cho dịch game bài Rikvip nhưng không có giấy phép, ông Hoá cho biết, tôi được Phòng Tham mưu thuộc C50 báo cáo việc này. Tuy nhiên thời điểm đó, pháp luật chưa quy định, không có giấy phép hoạt động là vi phạm pháp luật. Và tôi cũng không nhận được báo cáo của Phòng Tham mưu về việc, Công ty CNC hợp tác với Công ty VTC Online để tổ chức đánh bạc. Điều này, tôi cũng báo cáo cấp trên là ông Vĩnh. Về việc Công ty CNC hoạt động chưa có giấy phép, ông Hoá cho biết, Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền kiểm tra và xử phạt theo quy định.
Ông Hoá cho biết, khi Công ty CNC hoạt động, nhiều cơ quan đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng không đơn vị nào báo cho C50 biết, CNC đã vi phạm gì. C50 cũng không nhận được đơn thư tố cáo của quần chúng nhân dân về hành vi tổ chức đánh bạc của Công ty CNC và Công ty VTC Online. Vì thế C50 không có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm của CNC.
Chủ toạ phiên toà công bố lời khai của của cấp dưới ông Hoá tại cơ quan điều tra. Lời khai thể hiện, ông Hoá chỉ đạo cấp dưới làm văn bản báo cáo Bộ Công an về việc, Công ty CNC và Công ty VTC Online hoạt động cổng thanh toán cho dịch game bài Rikvip có giấy phép. Cấp dưới của ông Hoá thấy không đúng và nói lại thì ông Hoá quát lại và bảo “biết gì mà nói”.
Cấp dưới của ông Hoá khai, biết chỉ đạo của ông Hoá là sai, nhưng vì ông Hoá là Thủ trưởng trực tiếp nên không dám không nghe. Trả lời HĐXX về việc này, ông Hoá nói, "tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm về việc hai cổng game bài Rikvip và 23Zdo hoạt động không có giấy phép. Tôi không đổ lỗi cho cấp dưới của mình vì họ thực hiện theo chỉ đạo của tôi"./.
Phú Hiền/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận