Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020
Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) phiên bản năm 2020 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố bao gồm: Tra cứu thông tin, nghiên cứu, đánh giá tác động, quản lý rủi ro và lập kế hoạch, quy hoạch trong các hoạt động thích ứng với BĐKH.
Kịch bản BĐKH và nước biển dâng (Kịch bản) đã được Bộ TN&MT xây dựng, công bố vào các năm 2009, 2012 và 2016. Đến nay, Bộ tiếp tục hoàn thành cập nhập Kịch bản BĐKH và nước biển dâng phiên bản 2020 dựa trên cơ sở các công bố mới nhất của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), với kết quả mới nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh và số liệu địa hình.
Kịch bản cũng sử dụng số liệu quan trắc và số liệu mô hình số độ cao của Việt Nam cập nhật đến năm 2020, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản BĐKH và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.
Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 đã cập nhật nhiều điểm mới.
Cụ thể, nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều có xu hướng tăng. Khu vực phía bắc luôn có mức tăng cao nhất, giảm dần về phía nam, thấp nhất ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và các trạm đảo.
Lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa đều có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước. Lượng mưa mùa khô có xu thế tăng với mức tăng phổ biến từ 8 - 20% vào giữa thế kỷ và tăng phổ biến từ 10 - 25% vào cuối thế kỷ, trong đó, tăng cao nhất ở ven biển Đông Bắc, tăng thấp nhất ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ.
Một số hiện tượng cực đoan như số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở Bắc Bộ trong các giai đoạn của thế kỷ 21, phổ biến từ 5 - 20 ngày, ở khu vực núi cao mức giảm có thể lớn hơn mức phổ biến từ 10 - 30 ngày. Số ngày rét hại có xu thế biến đổi tương tự số ngày rét đậm tuy nhiên mức giảm thấp hơn, giảm phổ biến từ 5 - 10 ngày, ở khu vực núi cao Bắc Bộ có xu thế giảm nhiều hơn có thể tới 30 ngày. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước trong các giai đoạn của thế kỷ 21.
Kịch bản cũng đưa ra dự báo, nếu mực nước biển dâng cao 100 cm thì diện tích nhiều vùng sẽ bị ngập như: 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 17,15% diện tích TPHCM; 47,29% diện tích ĐBSCL…
Đến năm 2050, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 24 cm hoặc 28 cm. Đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 56 cm hoặc 77 cm. Mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mực nước biển trung bình toàn cầu. Mực nước biển dâng khu vực ven biển các tỉnh phía nam cao hơn so với khu vực phía bắc. Khu vực giữa Biển Đông (trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn so với các khu vực khác.
Ngoài ra, Kịch bản đã bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu cho biết Kịch bản được ban hành để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể khai thác và sử dụng cho những mục đích khác nhau, bao gồm: Tra cứu thông tin, nghiên cứu, đánh giá tác động, quản lý rủi ro và lập kế hoạch, quy hoạch trong các hoạt động thích ứng với BĐKH.
Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần phải có sự phân kỳ; cần phải xác định được mức độ ưu tiên dựa trên yêu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp và tối ưu nhất.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận