Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc luyện tài, rèn đức cho tất cả đối tượng. Đối với trẻ em, Bác căn dặn các giáo viên phải giáo dục cho các cháu biết thế nào là đoàn kết, ham học, ham làm, nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất của trẻ con.
Phải làm sao cho trẻ em có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải là khúm núm, đặt đâu ngồi đấy. Thông điệp của Bác để lại cho thế hệ trẻ là vẻ vang, vinh dự nhưng cũng là một trọng trách lớn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong những năm trước đây, tôi may mắn được tham gia một số công việc liên quan đến quá trình đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Cụ thể là một vài việc liên quan đến Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điểm quan trọng của chương trình này nhấn mạnh về phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Điều này trùng với và khiến mỗi chúng ta thấm thía về tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di sản vô giá mà Người để lại.
Người nói: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”; “Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt”. Người yêu cầu nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội. Ngày nay, chúng ta thường đề cập đến 3 trụ cột trong giáo dục.
Người nhấn mạnh: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời... Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Tôi liên tưởng điều này với tư tưởng giáo dục cho thế kỷ 21 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Đến năm 1996, họ mới đề ra khẩu hiệu “học suốt đời”. Điều đó đã cho thấy tư duy, tầm nhìn vượt thời đại trong tư tưởng giáo dục của Người.
Người luôn xem phát triển giáo dục, nâng cao dân trí xã hội là một triết lý, một tư tưởng, một ước vọng. Giáp Tết Bính Tuất 1946, trả lời một số nhà báo nước ngoài, Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Đề cập đến những nội hàm ở trên, để nhấn mạnh rằng, những tư tưởng đi trước thời đại về giáo dục của Bác đã có; và để khiêm tốn, cầu thị nói với nhau rằng, dường như chúng ta đã học theo tư tưởng của Bác nhưng vận dụng chưa tốt; đã làm nhưng làm chưa tốt, chứ không phải chúng ta thiếu đường hướng trong phát triển giáo dục.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, sự nghiệp GD-ĐT của chúng ta vẫn còn những hạn chế. Đó là hệ thống giáo dục của chúng ta đang thiếu sự liên thông bền vững, chạy theo thành tích, hư danh, sính bằng cấp... vẫn diễn ra. Điều đáng quan ngại là đâu đó xuất hiện tư tưởng kinh doanh giáo dục. Việc tự chủ, nhất là tự chủ tài chính của các trường đại học đã tạo ra áp lực và dẫn đến chất lượng đào tạo có nơi bị xem nhẹ, mà chú trọng số lượng nhằm tăng nguồn thu từ học phí. Vì nhiều lý do khác nhau, không ít nhà trường coi trọng điểm số; phụ huynh quan tâm đến bảng “học bạ đẹp”... đang là vấn đề đặt ra. Việc dạy, học, kiểm tra đánh giá vẫn còn tình trạng áp đặt “năng lực, phẩm chất” thay vì hướng dẫn, tổ chức để học sinh tự hình thành. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa nhà trường-gia đình-xã hội chưa chặt chẽ hay vấn đề giáo dục đạo đức, tư cách, bồi đắp lý tưởng cho học sinh, sinh viên còn không ít lo lắng...
Để làm tốt việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác, GD-ĐT cần có những thay đổi quan trọng. Thứ nhất, chúng ta cần xác định đúng vị trí, vai trò của GD-ĐT, xây dựng đầy đủ và đồng bộ thể chế, chính sách phát triển GD-ĐT. Hơn 10 năm qua, trên cơ sở tinh thần đổi mới, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển giáo dục đất nước sát và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, có những nội dung, việc thể chế hóa còn chậm. Đặc biệt, việc nhận thức về “quốc sách hàng đầu” không phải đã được đồng bộ ở mọi cấp độ. Điều đó đã tác động không nhỏ đến vận hành hệ thống. Chính phủ đã có Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn và trung hạn, nhưng dường như dự báo nguồn nhân lực còn lúng túng và hệ thống đại học, cao đẳng hoạt động không ít chủ quan.
Tương tự vậy, trong nhiệm vụ thứ sáu của Nghị quyết 29 đã nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo”, “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Các nhiệm vụ này hầu như chưa được triển khai kịp thời. Việc xã hội hóa giáo dục cũng ở mức độ khiêm tốn, thiếu các chính sách để tạo động lực. Rõ ràng, quyết tâm chính trị cần phải được nhận thức đầy đủ, toàn diện từ cấp độ vĩ mô đến cơ sở, đến từng con người cụ thể; phải có kế hoạch, giải pháp triển khai, có sơ kết, rút kinh nghiệm và chỉ ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm một cách nghiêm túc để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn. Thành tích là đáng ghi nhận nhưng nếu không nhìn trực diện vào các hạn chế, yếu kém thì khó bề tiến bộ. Khi chưa cải thiện về thu nhập, về môi trường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì khó nói đến nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ hai, chúng ta cần đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp của GD-ĐT. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy, việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả. Trong quá trình đổi mới giáo dục, những nội hàm đề cập ở trên đã có những cải tiến, chuyển biến nhưng trước yêu cầu của thời đại, chúng ta vẫn chậm, nhất là hệ thống phổ thông. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng việc chuẩn bị điều kiện cho việc thực hiện còn có những bất cập, cần có những giải pháp thiết thực và hữu hiệu hơn.
Thứ ba, thực hiện giáo dục toàn diện và học tập suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Mỗi công dân Việt Nam cần: “Biết ham học... Biết rồi, ta học thêm. Ngoài ra, còn biết bao điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”. “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự đào thải mình”, vì vậy, mỗi người đều “phải biết tự động học tập”; “phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc”. Lịch sử đã chứng minh rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp ngày càng ngắn hơn. Điều đó cũng tương ứng với việc từ phát minh đến sản phẩm. Hàm lượng chất xám, kinh tế tri thức đang đặt ra nhiều vấn đề đối với chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, không có con đường nào khác là mỗi người phải tự học; Nhà nước có chính sách khuyến khích sự tự học.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ này một cách thiết thực, hiệu quả chính là mỗi chúng ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác.
GS, TS NGUYỄN VĂN MINH, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/van-dung-tu-tuong-ho-ch...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận