Ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất là cần thiết, hợp lý
Ngày 12-8, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó có nội dung: "Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng". Chủ trương này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, được dư luận đồng tình ủng hộ...
Ông LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Xếp lương của giáo viên lên cao là hợp lý
Theo tôi, xếp lương của giáo viên lên cao là hợp lý bởi giáo viên là những “máy cái” để đào tạo ra nguồn nhân lực, nguồn lao động chất lượng cho xã hội. Đảng ta cũng xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và yêu cầu bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, cho thấy vị trí của giáo dục đã được khẳng định. Hơn nữa, muốn phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ hay bảo đảm quốc phòng, an ninh... thì đều phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần phải khẳng định, đầu tư cho giáo dục không phải chỉ là đầu tư cho trường lớp, cơ sở vật chất mà quan trọng nhất là đầu tư cho nguồn lực con người-chính là giáo viên. Giáo viên phải là những người có tâm, có tầm, có đức, có trí tuệ thì mới hoàn thành tốt sứ mệnh trồng người. Tôi hoàn toàn nhất trí với việc xếp lương của giáo viên lên cao, nâng cao thu nhập của giáo viên để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đồng chí CAO TRANG TRỌNG, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường (Lai Châu): Giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác
Mặc dù chính sách tiền lương không phải là yếu tố chính để giáo viên lựa chọn đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, nhưng đó là động lực không nhỏ để họ yên tâm công tác. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế tại địa phương chúng tôi, thu nhập của giáo viên không bằng nhiều ngành nghề khác nên nhiều giáo viên phải làm thêm nghề tay trái. Nhà giáo xin thôi việc hoặc chuyển công tác về miền xuôi, nhiều trường thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển là thực tế đang xảy ra tại không ít địa bàn vùng sâu, vùng xa. Theo tôi, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW với chủ trương thực hiện lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng là rất nhân văn, giúp đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên ở vùng sâu, vùng xa bớt lo “cơm, áo, gạo, tiền”, ổn định tư tưởng để dạy học tốt hơn. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng sẽ góp phần thu hút sinh viên có kết quả học tập giỏi, xuất sắc vào phục vụ ngành giáo dục. Để chủ trương này đi vào thực tiễn, cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đối với vùng đặc biệt khó khăn; thâm niên nghề đối với nhà giáo; thực hiện các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài...
Thầy giáo ĐỖ TẤN NGỌC, Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi): Cụ thể hóa trong thời gian sớm nhất
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng rất vui mừng, phấn khởi khi biết thông tin về nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống, tạo động lực để cán bộ, giáo viên thêm quyết tâm cống hiến, thi đua dạy tốt. Chúng tôi mong muốn chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng sẽ được cụ thể hóa trong thời gian sớm nhất.
Cô giáo NGUYỄN THỊ LAN ANH, giáo viên Trường THPT Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương): Thêm niềm tin giáo viên sẽ sống được bằng lương
Tôi và các giáo viên trong trường rất vui khi biết thông tin về nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Chúng tôi có thêm niềm tin là tới đây, thu nhập của nhà giáo sẽ tiếp tục được nâng lên và nhà giáo sẽ có thể sống được bằng lương. Hiện tại, sau khi lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng, thu nhập của tôi là gần 20 triệu đồng/tháng, cũng là mức tăng đáng kể. Tất nhiên, số giáo viên có mức thu nhập này không nhiều. Còn nhiều thầy cô mới vào nghề, thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, lương của giáo viên hợp đồng còn thấp, chưa động viên được người lao động. Với mức lương này, nếu ở địa bàn thành phố, giáo viên sẽ phải chật vật, co kéo mới có thể lo cho sinh hoạt gia đình... Vì vậy, chúng tôi mong chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng sớm trở thành hiện thực. Khi giáo viên đỡ vất vả lo kinh tế, làm thêm ở ngoài thì sẽ hạn chế được những vấn đề tiêu cực, chất lượng giáo dục cũng sẽ được nâng lên.
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/uu-tien-xep-luong-giao-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận