Tranh luận chữ "P" trong SGK lớp 1: Không dạy riêng chữ P học sinh lúng túng khi ghép âm
Một số giáo viên cho rằng trong sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống chữ P đi rất lướt, giáo viên phải tự tìm hiểu và mở rộng để dạy. Nếu chỉ học bảng chữ cái, không học riêng chữ P thì học sinh sẽ lúng túng ghi ghép âm để đọc.
Những ngày gần đây dư luận và các chuyên gia giáo dục đang quan tâm tới vấn đề bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam không dạy riêng chữ P.
Trước những băn khoăn của dư luận, trả lời báo chí, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trang 12, tập một).
Ảnh minh họa.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có dạy chữ P (chữ pê), âm đầu và âm cuối P (pờ) (ghi bằng chữ P). Tất cả đều dạy theo cách quen thuộc với giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên dạy lớp 1, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống thiết kế dạy gộp một số chữ cái như: P, Ă, Â. Thực tế giáo viên dạy sẽ chỉ cần giới thiệu để học sinh nhận biết mặt chữ, cách đọc và viết để ghép với các con chữ khác. Đa số giáo viên đều cho rằng, nếu chữ P được tách ra riêng 1 tiết, học sinh sẽ được học kĩ và chắc hơn.
Cô Nguyễn Thị Thuỷ, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học tại Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, nhiều sách đều học chữ P nhưng ở bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống chỉ dạy lướt qua. Trong bộ sách này, chữ P có trong bảng chữ cái nhưng trong phần nội dung thì chỉ dạy ghép với chữ H để tạo thành chữ Ph.
“Trong bộ sách này, chữ P đi rất lướt, giáo viên phải tự tìm hiểu và mở rộng để dạy. Nếu chỉ học bảng chữ cái, không học riêng chữ P thì khi các con gặp phải chữ này mà cần ghép âm để đọc sẽ bị lúng túng. Cách dạy chữ P trong những bộ sách trước đi sâu hơn giúp học sinh phát âm chuẩn hơn, được luyện đọc, luyện viết và ghép âm kỹ càng hơn. Với lớp 1 không chỉ là chữ cái mà cần dạy để khi gặp những từ khác, các em có thể tự ghép vào để đọc và hiểu”, cô Thủy nói.
Với 20 năm kinh nghiệm dạy lớp 1, tiếp xúc với một số bộ SGK khác nhau, cô Thủy cho rằng, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống có phần “nặng” hơn, học sinh phải học nhiều hơn, có bài học đến 4,5 chữ.
Cô Phạm Thị Vĩ giáo viên lớp 1 một trường tiểu học tại Long Biên, Hà Nội hiện đang dạy học sinh chữ P ở bảng chữ cái và trong bài học vần về âm Ph. Trên thực tế, để ghi nhớ âm P và Ph, cô Vĩ và nhiều đồng nghiệp khác bằng kinh nghiệm dạy học đã cho học sinh tự tìm từ có nghĩa với các chữ trên và đưa thêm nhiều ví dụ cho âm P và Ph. Khi luyện viết, các cô cũng tự hướng dẫn học sinh chữ P trước rồi mới thêm chữ H thành chữ Ph…
Cô Phạm Thị Vĩ cho biết, cách dạy nêu trên đều theo kinh nghiệm chứ không phải được tập huấn hay có hướng dẫn trong sách của giáo viên. Để học sinh ghi nhớ được và mở rộng vốn từ, giáo viên thường cho các em ôn tập lại những vấn đề đã học vào buổi thứ 2 trong ngày.
Còn theo cô Nguyễn Thị Hương, một giáo viên tại Hải Dương, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống nên cho thêm những tiếng, những từ mà âm P xuất hiện độc lập trong cả phần đọc và viết ở phần ngữ liệu tiếng và mở rộng cho học sinh. Nếu dạy theo sách và theo hướng dẫn trong sách của giáo viên, thì vẫn chỉ dạy lướt chữ P như vậy học sinh sẽ chỉ biết những từ trong sách và bị lúng túng khi gặp âm và chữ này ở cuộc sống.
(Trước đó, theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, các bộ sách có thể có những cách khác nhau.
Cách thứ nhất, dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.
Cách thứ hai dạy âm P riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ.
Giải thích về việc lựa chọn cách dạy thứ nhất, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1, Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, âm P và PH đều được học trong phần Âm, ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở nghĩa là buộc phải dùng những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,… không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì,… vì 2 lí do. Thứ nhất, học sinh chưa được học âm S (trong Sa Pa) và vần âm (trong Nậm Pì).
Thứ 2, thông thường, tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Mới chỉ được học 5 – 6 tuần mà học sinh phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,…. là không phù hợp. Chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại vì học sinh lớp 1, mới đến trường vài tuần đã phải đọc, viết và hiểu nghĩa của những từ không quen thuộc như vậy./.)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận