Tranh cãi việc đưa môn Ngữ Văn vào tổ hợp tuyển sinh ngành y
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Phương án tuyển sinh của các trường phải được thông qua sự xét duyệt của Bộ GD-ĐT, chứ không phải tự chủ là các trường muốn làm gì thì làm. Nếu có sự bất hợp lý trong hoạt động tuyển sinh, bộ GD-ĐT cần phải can thiệp…”
Theo ghi nhận, hiện có 4 trường đại học tư thục (ĐH) bao gồm: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Văn Lang quyết định đưa môn Ngữ Văn vào tổ hợp xét tuyển đối với ngành y, gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.
Môn Ngữ Văn truyền cho sinh viên y khoa lòng nhân ái
Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/5 vừa qua, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sắp tới sẽ tiến hành rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, cần thiết sẽ yêu cầu các trường giải trình các vấn đề xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng Văn Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hai môn Hóa, Sinh trong việc xét tuyển khối ngành y khoa. Kiến thức phổ thông của hai môn Hóa, Sinh ở bậc THPT chỉ chiếm một phần nhỏ khối lượng kiến thức cần học ở bậc đại học; tuy nhiên, hai môn học này lại giúp chuẩn bị và rèn luyện lối tư duy logic cho sinh viên khi tham gia vào quá trình học y sau này.
Lý giải về sự thay đổi trong tổ hợp xét tuyển khối ngành y, bác sĩ Hoàng Văn Dũng cho biết, việc mở rộng thêm các tổ hợp xét tuyển là một cách thức cạnh tranh để tuyển sinh. Tuy nhiên, dù có thay đổi phương án tuyển sinh thế nào, thì những môn học cốt lõi như Hóa và Sinh vẫn nên giữ nguyên.
Bộ GD-ĐT cần có sự can thiệp, không nên “thả nổi”
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nếu giữ nguyên hai môn Hóa –Sinh trong tổ hợp điểm, thì việc đưa môn Ngữ Văn vào xét tuyển là có thể chấp nhận được. Theo thông lệ, để thi vào ngành y cần xét tổ hợp 3 môn. Trong đó, môn Hóa và Sinh là những môn học mang tính chất hướng nghiệp, bắt buộc phải có trong tổ hợp xét tuyển. Còn môn thứ ba có thể được cân nhắc để thay thế bằng môn học khác, ví dụ như Ngữ Văn và Tiếng Anh, thay vì những môn mang tính truyền thông là Toán và Lý.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng cân nhắc tính cân bằng khi xây dựng tổ hợp xét tuyển đối với nhóm ngành y khoa: “Một bác sĩ giỏi cần học văn để biết cách viết các tham luận y khoa, viết các nghiên cứu y học; hoặc chí ít là viết đơn thuốc sao cho chính xác. Do vậy, đây sẽ là một sự cực đoan nếu loại bỏ hoàn toàn môn Ngữ Văn ra khỏi tổ hợp tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ xét tuyển môn Ngữ Văn và các môn KHXH thì sẽ là một thái cực khác, đi lệch khỏi tính hướng nghiệp của kỳ thi tuyển sinh đại học”
Hiện nay, các trường đại học ở mức trung bình và thấp đang phải chạy đua trên con đường tuyển sinh để đạt được chỉ tiêu, thay vì chú ý đến chất lượng. Đây cũng là lí do khiến nhiều phương thức tuyển sinh “lạ mắt” ra đời, đặt ra câu hỏi lớn về tính đúng đắn của việc tự chủ đại học.
“Phương án tuyển sinh của các trường phải được thông qua sự xét duyệt của Bộ GD-ĐT, chứ không phải tự chủ là các trường muốn làm gì thì làm. Nếu có sự bất hợp lý trong hoạt động tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cần phải can thiệp chứ không thể “thả nổi”. Giao quyền tự chủ cho các trường học không có nghĩa là được buông trách nhiệm quản lý nhà nước của mình”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh./.
Diệp Thảo/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận