Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu
Sáng 5-9, trong không khí Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ khai giảng tại Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Từ 6 giờ 30 phút sáng, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã rộn ràng tiếng cười nói của học sinh, thầy cô tới trường dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu có khoảng 1.500 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó có khoảng 160 em khiếm thị.
Với sứ mệnh nuôi dạy trẻ em khiếm thị của thành phố để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và có đóng góp cho xã hội, trường thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9. Để chuẩn bị cho học sinh khiếm thị học hòa nhập, các em cần phải tham gia lớp can thiệp sớm (các lớp học theo mô hình chuyên biệt nhằm cung cấp các kỹ năng tiền hòa nhập).
Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng phát triển các năng khiếu, sở thích của học sinh khiếm thị, tổ chức các lớp hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khiếm thị, các lớp dạy kỹ năng giúp những học sinh này hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Cùng với đó, trường hỗ trợ một số trung tâm, nhà trường; tư vấn cho cha mẹ trẻ khiếm thị ở một số địa phương khác về kinh nghiệm giáo dục hòa nhập, kinh nghiệm đánh giá học sinh khiếm thị, các phương pháp dạy hòa nhập, phương pháp dạy học đặc thù cho trẻ khiếm thị…
Dự và phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới cùng thầy trò nhà trường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi tới các thầy cô giáo, các cháu học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và toàn thể các thầy cô giáo, các cháu học sinh trên cả nước nói chung lời chào, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc năm học 2024-2025 gặt hái được nhiều thành tích tốt hơn.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân; là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, then chốt trong bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, công cuộc “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo” được tập trung triển khai, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vui mừng với những thành tựu mà ngành Giáo dục đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chất lượng giáo dục được nâng lên, các cháu học sinh, trong đó có các cháu khuyết tật được chăm lo, giáo dục tốt hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”. Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm cho tốt; việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để năm học sau đạt kết quả tốt hơn năm học trước”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý, ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm học 2024-2025. Đặc biệt, Chương trình giáo dục phổ thông cần được thực hiện với sự đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra, nhằm phát huy tính chủ động của học sinh. Đồng thời, giáo dục phải thường xuyên cập nhật các phương pháp tiên tiến và ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Hệ thống giáo dục quốc dân cần được hoàn thiện theo hướng mở, công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời. Trong đó, việc xây dựng hệ thống giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần được đẩy mạnh. Tăng cường giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, đặc biệt trong giáo dục mầm non và phổ thông, nhằm bảo đảm quyền học tập bình đẳng, phát triển khả năng cá nhân và tăng cơ hội đóng góp cho xã hội.
Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải là tấm gương rèn luyện, khích lệ và truyền cảm hứng cho học sinh; giúp học sinh phát huy sở trường, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và khát vọng phát triển đất nước. Học sinh, đặc biệt là các em Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, cần nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm chỉ học tập và rèn luyện để trở thành công dân có ích, đóng góp cho xã hội.
Phụ huynh cần là điểm tựa vững chắc cho con em, đặc biệt là các học sinh khuyết tật, tạo niềm tin giúp các em vượt qua khó khăn. Nhà trường phải bảo đảm môi trường an toàn, bình đẳng, không có bạo lực hay ma túy học đường.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tủ sách tham khảo, Trung ương Đoàn Thanh niên tặng 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và nhiều phần quà học tập khác.
Tin, ảnh: THU HÀ - VIỆT TRUNG
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận