Quản lý dạy thêm, học thêm: Chỉ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT là chưa đủ - Bài 2: Vai trò của phụ huynh rất quan trọng
Nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ nếu không có sự thấu hiểu, chung tay của phụ huynh và xã hội. Nếu phụ huynh vẫn đặt nặng thành tích, không yên tâm chỉ vì con không đi học thêm và không thấy hết được vai trò của giáo dục gia đình thì dạy thêm, học thêm còn biến tướng tiêu cực.
Kỳ vọng nhưng đừng thái quá
Sau khi nhà trường và giáo viên dừng dạy thêm, anh Nguyễn Thanh Tuấn ở ngách 172/211 phố Khương Trung, phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) đã cho cô con gái lớp 5 học thêm ở một trung tâm với chi phí cao hơn nhiều so với trước đây. Lý do của anh Tuấn là muốn con thi vào hệ chất lượng cao của Trường THCS Thanh Xuân.
Tương tự, cậu con trai đang học lớp 9, Trường THCS Yên Hòa, phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) của vợ chồng chị Vũ Thị Nguyệt ở tòa nhà V1, chung cư Home City, số 177 Trung Kính (Cầu Giấy) thường phải “chạy sô” với lịch học thêm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10. Chị Vũ Thị Nguyệt cho biết: “Cháu có học lực tốt. Tuy nhiên, muốn đỗ vào trường chuyên, lớp chọn thì vẫn cần học thêm vì kiến thức trên lớp chỉ bảo đảm ở mức cơ bản. Còn ở trung tâm học thêm, cháu được bổ trợ kiến thức nâng cao, được rèn luyện với nhiều dạng đề mà học ở trường không có”.

Ngoài mong muốn con em được học tại cơ sở giáo dục chất lượng tốt thì còn một thực tế là tỉ lệ “chọi” vào các trường THPT công lập, nhất là ở các thành phố lớn rất cao. Phụ huynh lo ngại nếu con em không đỗ vào các trường này sẽ phải học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay trường tư thục với học phí cao. Một vấn đề nữa là Luật Giáo dục đã cấm tổ chức trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS, nhưng nhiều địa phương vẫn “lách luật” bằng cách tổ chức các trường điểm và tổ chức tuyển sinh thông qua những bài đánh giá năng lực với tỉ lệ “chọi” cao ngất ngưởng. Trong khi đó, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên phụ huynh rất quan tâm, đầu tư cho giáo dục; xã hội còn trọng bằng cấp và hệ thống giáo dục hiện tại vẫn chú trọng vào thi cử, điểm số, chưa thực sự tập trung vào việc phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo của từng học sinh... Đây là những lý do khiến nhiều phụ huynh chưa thể “cai” học thêm.
Chia sẻ với phụ huynh, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, đó là những mong muốn hoàn toàn chính đáng. Làm cha, làm mẹ thì ai cũng muốn con mình được học tập ở môi trường tốt; giỏi giang, thành đạt. Nhưng các phụ huynh cũng không nên quá kỳ vọng và gây áp lực lớn với con em mà cần quan tâm đến khả năng của con em để định hướng, phát triển đúng đắn, khai phá tốt thế mạnh của các em. “Nếu không nhìn ra được vấn đề này, phụ huynh sẽ làm mất cơ hội, đóng bớt nhiều cánh cửa của con em mình, nhất là ở lứa tuổi học sinh THCS. Trong giáo dục hiện nay, chúng ta đừng nghĩ rằng giỏi Toán, giỏi Văn là giỏi. Đó mới chỉ là một năng lực, khía cạnh. Một người có thể giỏi nhiều khía cạnh khác nhau và phụ huynh, giáo viên cần thấy điều đó để giúp học sinh tiến bộ”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong phụ huynh không nên quá coi trọng điểm số, khiến nó trở thành áp lực với con em và dạy thêm, học thêm tồn tại tiêu cực; thay vào đó, hãy tích cực phối hợp với nhà trường, giáo viên để việc học của con em trở nên nhẹ nhàng, đúng bản chất.
Đồng hành với con
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết, nhiều phụ huynh lấy lý do công việc để tìm đến học thêm với mong muốn thầy cô, nhà trường trông nom, quản lý con em khỏi tham gia vào các hoạt động không lành mạnh ngoài xã hội. Một số gia đình lại lo không có điều kiện cho học thêm tại trung tâm thì con em sẽ thiệt thòi, càng thua kém bạn... Thấu hiểu và chia sẻ điều này, nhất là với những phụ huynh là công nhân, người lao động, bộ đội, nhưng ông cho rằng, đây là lúc vai trò giáo dục ngoài nhà trường của gia đình cần được phát huy mạnh mẽ. “Cha, mẹ cần đồng hành với các con càng sớm càng tốt. Tất nhiên, có em tiếp thu tốt, có em tiếp thu chậm, nhưng phụ huynh hãy cố gắng kiên trì và lấy sự tiến bộ của con làm thước đo chứ đừng vội bắt con phải làm được thế này, thế kia. Quan trọng hơn là nuôi ý chí, khơi dậy niềm đam mê học tập cho con. Các cơ quan, công đoàn các nhà máy, xí nghiệp nên mời những chuyên gia về giáo dục tới hướng dẫn, hệ thống bài bản cho phụ huynh kiến thức, kinh nghiệm về việc này”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói.
Có 15 năm đứng lớp và cũng từng dạy thêm, cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh, giáo viên Trường THPT Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) chứng kiến nhiều học sinh học thêm chỉ để không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì không có khả năng tự học, đi học thêm có thể được làm trước những dạng đề mà khi kiểm tra có thể giống. Theo cô, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định cụ thể số tiết mỗi môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học, vừa sức với học sinh. Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng là đã bảo đảm học sinh đạt yêu cầu. Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tránh học thêm theo kiểu nhồi nhét kiến thức. Cô khuyên phụ huynh khuyến khích con tự học thay vì áp đặt hoặc tạo áp lực điểm số hay cho con học thêm tối ngày, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, học sinh sẽ có điều kiện phát triển kỹ năng tự học một cách tự nhiên và hiệu quả.
Thầy giáo Bùi Minh Tuấn, Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) nêu kinh nghiệm: “Phụ huynh nên xây dựng thói quen và kỹ năng tự học cho con ngay từ khi còn nhỏ bằng cách: Hướng dẫn con cách lập kế hoạch học tập, quản lý thời gian, ghi chép hiệu quả và tự đánh giá quá trình học của mình. Nếu có nền tảng tự học tốt thì khi lên cấp THPT và đại học, khả năng tự học của các em càng phát triển mạnh mẽ”.
(còn nữa)
ĐỨC TUẤN - HUYỀN TRANG
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/quan-ly-day-them-hoc-th...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận