Phòng chống ma túy học đường
Những năm qua, công tác giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy học đường cho học sinh luôn được Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) chú trọng thực hiện. Thầy Nguyễn Quốc Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong các giờ sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoại khóa, trường thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về hiểm họa của ma túy, giúp các em có những kỹ năng phòng chống tệ nạn này cũng như các thủ đoạn của những đối tượng buôn bán, lôi kéo học sinh vướng vào tệ nạn ma túy học đường.
Nhà trường đã đề ra những nội quy, quy định về việc nghiêm cấm hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, sử dụng bia rượu và các chất kích thích trong cơ sở giáo dục. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường hoặc các thông tin liên quan đến học sinh hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, các cán bộ phụ trách ngay lập tức tìm hiểu thực tế, làm việc với học sinh và cha mẹ học sinh để làm rõ thông tin, có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Vì vậy, nhiều năm qua nhà trường không có học sinh bị vướng vào tệ nạn ma túy; các em luôn được giáo dục hình thành những kỹ năng cơ bản để phòng tránh tệ nạn một cách hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh và xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm thành phố đã tổ chức biên soạn tài liệu tham khảo “Sổ tay truyền thông phòng, chống ma túy” dành cho học sinh các trường THCS, THPT. Cuốn sổ tay được biên soạn và phát hành tại các cơ sở giáo dục với mong muốn học sinh tìm hiểu, nhận thức, nhận diện đúng về ma túy cũng như cách phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy để chung tay xây dựng “Vì học đường an toàn-không ma túy”.
Cụ thể, đối với học sinh, cuốn sổ tay yêu cầu các em sống trong sáng, lành mạnh, không tiêu xài hoang phí, ăn chơi đua đòi vượt quá khả năng kinh tế của gia đình; tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh; không thử ma túy dưới mọi hình thức.
Đối với gia đình, cần quan tâm sát sao, lắng nghe tâm tư, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của con, cùng trao đổi với thầy giáo, cô giáo, nói chuyện với bạn bè của con để biết con có liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội khác không để có biện pháp phòng ngừa.
Các cơ sở giáo dục cần thường xuyên xây dựng chương trình ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh; kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ để cùng gia đình người học tìm hiểu nguyên nhân…
Đề cập vai trò cơ sở giáo dục đại học trong công tác phòng ngừa ma túy cho sinh viên, TS Trịnh Đình Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Công đoàn trường đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu phòng, chống ma túy; cuộc thi sáng tạo các sản phẩm truyền thông về phòng, chống ma túy; tuyên truyền, tập huấn, lồng ghép trong các tiết học, hướng dẫn sinh viên về phòng chống ma túy.
Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân An Việt cho biết, năm 2023, Bộ đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”. Đầu năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Công an ký kết chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học hằng năm xây dựng kế hoạch phòng chống ma túy học đường; cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên; trong đó, thực hiện giáo dục phòng chống ma túy qua công tác giảng dạy; phối hợp Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, từng bước đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội…
Bài và ảnh: MAI MAI
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận