Những ngành nghề đang và sẽ bị công nghệ thay thế
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã khép lại, mở ra một hành trình mới quyết định tương lai cho hơn một triệu thí sinh trên cả nước. Việc chọn ngành nghề và trường học là câu hỏi quan trọng với mỗi học sinh và gia đình, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh thị trường lao động biến động mạnh mẽ.
Xu hướng nghề nghiệp tương lai
Lúc này, câu hỏi “Chọn ngành nghề, trường học để bước vào đời?” là thắc mắc chính đáng của học sinh, cũng như gia đình vào thời điểm này. Lựa chọn đó ngày nay càng trở nên khó khăn hơn khi thị trường lao động Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang biến động từng ngày, đòi hỏi người lao động không chỉ chuẩn bị cho mình lý thuyết chắc chắn, kỹ năng hoàn thiện, mà còn là tinh thần không ngừng học hỏi, nâng cao phẩm chất cá nhân ở bất kỳ hoàn cảnh, thời gian nào.
Giữa nhiều lựa chọn, nhiều bạn trẻ bị cuốn theo những ngành nghề hot, ngành nghề được săn đón hay đang trở thành trào lưu trong thị trường lao động, được truyền thông giới thiệu về mức lương hấp dẫn, cơ hội việc làm rộng mở.
Tuy nhiên, sinh viên, học sinh nên lựa chọn ngành học "hot" hay lựa chọn ngành phù hợp với năng lực, đam mê, sở trường của mình? Liệu những ngành "hot" hiện tại có duy trì được độ hot trong dài hạn, trở thành ngành nghề quan trọng trong ngành kinh tế và xứng đáng để bạn theo đuổi cho sự nghiệp tương lai hay không?
Tại buổi tọa đàm “2K6 chọn ngành, chọn trường thế nào để có việc làm?” do Báo Dân trí phối hợp Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thực hiện, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho rằng, hiện nay và trong tương lai, nhiều ngành nghề sẽ không còn nữa do sự phát triển của công nghệ. Ở tầm nhìn khoảng 10 năm tới thì sự phát triển công nghệ không chỉ là công cụ để giúp chúng ta tốt hơn mà nó có thể thay đổi thế giới.
Dẫn chứng cho điều này, ông Hoàng Nam Tiến kể câu chuyện sự thay thế của công nghệ với công việc lái xe taxi ở một loạt thành phố lớn của Trung Quốc. Nơi đây, toàn bộ xe taxi là xe không người lái. Ông nêu thêm: “Có một nghề mà nhiều cô gái mơ ước là giao dịch viên ngân hàng – mặc áo dài đẹp, học trường đại học xuất sắc, có nhan sắc và hiện có hàng vạn cô gái đang làm nghề đó - nhưng với sự phát triển của công nghệ ngày hôm nay, đặc biệt là của ngành ngân hàng thời gian qua, càng ngày số người ra giao dịch ngân hàng càng ít. Vậy thì hàng vạn nhân viên ấy sẽ làm gì? Chắc chắn phải chuyển nghề. Họ đều còn rất trẻ và sẽ phải học thêm những nghề khác.
Tiếp đến nữa là hàng ngàn, hàng vạn chàng trai, cô gái cũng rất giỏi đang làm tín dụng nhỏ và vừa của ngân hàng. Họ rất giỏi, nhưng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, với những hệ thống scoring, rating khách hàng thì tất cả những khoản vay nhỏ đều có thể giải quyết trong vòng 10-15 giây. Lúc đó người ta không sử dụng con người để làm những công việc đó nữa mà bằng trí tuệ nhân tạo.
Chọn trường thế nào để có việc làm
Dựa trên dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng những nghề liên quan đến con người như y tá, hộ lý, điều dưỡng, huấn luyện viên thể lực, yoga, thiền và ngành du lịch, khách sạn sẽ ngày càng có giá trị. Dù công nghệ có thể thay thế một số công việc, nhu cầu về sự phục vụ và chăm sóc của con người vẫn không thể bị thay thế hoàn toàn.
Ông Nguyễn Bảo Long, Trưởng phòng Phát triển cộng đồng và quan hệ đối tác, Công ty cổ phần TopCV Việt Nam thì có quan điểm rằng, bạn trẻ không nên quan tâm ngành nghề có hot hay không, bởi chỉ cần bạn có nghề, có đóng góp cho công ty thì trước sau bạn vẫn sẽ được trọng dụng. Bởi vậy, các bạn trẻ nên có một nghề và dựa trên sự biến đổi của thị trường việc làm hay công nghệ để thích ứng.
Với lứa học sinh sinh năm 2006, các bạn nên tìm kiếm nghề nào phù hợp với năng lực bản thân và tạo ra giá trị với cộng đồng. Sau đó các bạn làm thật tốt, khi thị trường việc làm như thế nào thì bạn cũng có thể thích ứng thật tốt. Còn nếu cứ quan tâm nghề nào hot, thì khi đứng trước rất nhiều ngả đường sẽ mất định hướng, ông Long nêu vấn đề.
TS Nguyễn Quang Thuận, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về khái niệm “Vòng tròn Ikigai” để lựa chọn ngành học phù hợp. Vòng tròn Ikigai là giao điểm của 4 vòng tròn lớn gồm: Điều bạn thích, điều xã hội cần (cơ hội việc làm), điều bạn được trả tiền (mức thu nhập) và điều bạn giỏi. Người học cần tìm “giao điểm” giữa những điều này.
"Bốn yếu tố trong Vòng tròn Ikigai đều rất quan trọng. Khi chọn ngành học, nếu chỉ dựa vào hai yếu tố là điều bạn thích và điều bạn giỏi, trong khi ngành này ít cơ hội việc làm và mức thu nhập không cao, tương lai của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu chỉ chọn ngành vì nhu cầu xã hội cao và thu nhập hấp dẫn nhưng bạn không đam mê và không giỏi, sau này bạn sẽ thấy không phù hợp và khó làm việc tốt. Do đó, bạn cần cố gắng tối đa hóa việc kết hợp cả bốn yếu tố của Ikigai, hoặc ít nhất phải đảm bảo có được ba trong số bốn yếu tố đó", TS Nguyễn Quang Thuận phân tích.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, theo thống kê về đào tạo thực tiễn tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, top 3 ngành có số lượng sinh viên theo học đông nhất trong những năm gần đây là thiết kế đồ họa, digital marketing và công nghệ thông tin. Ngành điện cơ khí, tự động hóa, du lịch, khách sạn và làm đẹp cũng đang nhận được sự quan tâm của sinh viên và đón nhận sự phản hồi tốt của thị trường.
Trường này đặt mức học phí cho thí sinh nhập học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là dưới 80 triệu đồng cho toàn khóa học (2 năm, 6 học kỳ), trong khi các cơ sở còn lại áp dụng mức 80% học phí chuẩn. Mức học phí này phù hợp với phần lớn người Việt, nhằm đầu tư cho sinh viên có nghề nghiệp ổn định. Đặc biệt trong năm 2024, trường có các học bổng cho sinh viên 2K6, như học bổng “Thắp sáng tương lai” hỗ trợ từ 10-70% học phí toàn khóa, và học bổng Phát triển nguồn nhân lực địa phương hỗ trợ 50% học phí năm đầu tiên tại các cơ sở ở Thanh Hóa, Hà Nam và Thái Nguyên.
Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Đó là những thông tin thí sinh có thể tham khảo, tham chiếu, từ đó lựa chọn ngành học phù hợp nhất. Việc lựa chọn ngành nghề sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 không chỉ đơn thuần là chọn một công việc, mà còn là chọn một tương lai. Các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng, dựa vào năng lực, đam mê và khả năng thích ứng với sự thay đổi không ngừng của công nghệ để đưa ra quyết định đúng đắn cho sự nghiệp của mình.
Bài, ảnh: MAI HÀ
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhung-nganh-nghe-dang-v...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận