Ngành sư phạm có cần kỳ thi riêng?
Trong khi nhiều trường đại xét tuyển bổ sung các ngành sư phạm thì Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa có thông tin dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào từ năm 2025.
Điểm chuẩn bổ sung ngành sư phạm gần 29 điểm
Năm 2024, dù số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành sư phạm tăng mạnh, điểm chuẩn cao chót vót nhưng nhiều trường đại học vẫn đang xét tuyển bổ sung, trong đó có ngành điểm xét tuyển bổ sung lên tới 28,58 điểm.
Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) xét tuyển bổ sung 31 ngành học, trong đó có 6 ngành Sư phạm. Ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có điểm sàn xét tuyển lên đến 28,58 điểm với 2 chỉ tiêu.
Một số ngành Sư phạm khác của trường cũng có điểm sàn xét tuyển bổ sung cao như ngành Giáo dục tiểu học 28,42 điểm; ngành Sư phạm Toán 26,28 điểm; ngành Giáo dục mầm non 26,2 điểm; ngành Sư phạm khoa học tự nhiên 25,75 điểm.
Trường Đại học Tây Bắc xét tuyển bổ sung 8 ngành sư phạm. Trong đó, cao nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn với điểm sàn xét tuyển 28,11 điểm; tiếp đến là Sư phạm Lịch sử 28 điểm; Sư phạm Địa lý 27,96 điểm.
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế tuyển bổ sung 110 chỉ tiêu bằng 3 phương thức xét điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường tuyển 68 chỉ tiêu, điểm sàn dao động từ 19 – 27,37 điểm. Trong đó ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý cao nhất với mức điểm nhận hồ sơ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT từ mức 27,37; điểm học bạ THPT từ 26,8. Chi tiết như sau:
Trường Đại học Quảng Nam xét tuyển bổ sung 3 ngành Sư phạm, mỗi ngành từ 1-4 chỉ tiêu. Ngành cao nhất là Sư phạm Ngữ Văn với 25,74 điểm.
Xu hướng gia tăng kỳ thi riêng
Trong khi nhiều trường đại xét tuyển bổ sung các ngành sư phạm thì Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa có thông tin dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào từ năm 2025.
Đại diện nhà trường cho biết, hiện trường đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án tổ chức kỳ thi này. Dự kiến đó sẽ là bài thi theo hướng đánh giá năng lực.
Trước đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tổ chức kỳ thi riêng cùng các phương thức tuyển sinh khác. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức có 9 trường đại học công nhận và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh đại học.
Không riêng ngành sư phạm, hiện cả nước có hơn 10 đơn vị, trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.
Kỳ thi riêng được xem là sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển đại học. Đây cũng được xem là xu thế chung tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự gia tăng nhanh của các kỳ thi riêng khiến thí sinh tăng áp lực. Nhiều em lúng túng trong việc lựa chọn tham gia các kỳ thi để đạt được kết quả cao.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, không nên có quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng trong thời gian tới.
Một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, việc tuyển sinh của ngành sư phạm có nhiều khởi sắc khi điểm chuẩn trúng tuyển ở mức cao so với nhiều ngành đào tạo khác. Đây là điều đáng mừng nhưng theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, điểm trúng tuyển không phản ánh thực chất chất lượng đầu vào bởi điểm cao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thay vì mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng: “Các trường nên liên kết với nhau, tổ chức một kỳ thi riêng theo cụm, theo từng khối ngành, tạo sự thống nhất trong xét tuyển. Như vậy, kỳ thi riêng sẽ có ngân hàng câu hỏi phong phú, tạo công bằng và chất lượng”.
Theo:https://daidoanket.vn/nganh-su-pham-co-can-ky-thi-rieng-10290111.html
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận