Năm cánh hoa kết “trái ngọt” giáo dục
Giáo dục không chỉ là quốc sách, là nhân tố then chốt để làm nên nguồn lực, sức sống, sức mạnh, sức bật của một quốc gia, dân tộc mà còn là tương lai, hạnh phúc của mỗi gia đình, dòng tộc, làng xã và là số phận, vận mệnh của mỗi con người, mỗi đời người.
Vì vậy, không có lĩnh vực nào lại đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các giai tầng, thành phần trong xã hội như lĩnh vực giáo dục.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành giáo dục cần quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy, cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng”.
So với phương châm đề ra cách đây 3 năm: “Nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”, thì phương châm mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra trong năm học này có sự bổ sung, phát triển toàn diện hơn, sâu sắc hơn, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa mối quan hệ gia đình-nhà trường-xã hội trong hoạt động giáo dục.
Trong 5 thành tố của phương châm giáo dục, học sinh, sinh viên không chỉ là trung tâm trong toàn bộ hoạt động giáo dục mà còn là chủ thể tiếp thu kiến thức, chủ thể tự giác, tích cực tu dưỡng, trau dồi, rèn luyện đức-trí-thể-mỹ, nỗ lực vượt khó, có ý chí, ước mơ, hoài bão và khát vọng cống hiến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Được ví như “ngọn nến đốt chính mình để soi rọi người khác”, với vai trò là động lực, thầy, cô giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, trao truyền những năng lượng tích cực, động viên, khích lệ học sinh, sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện và tham gia làm những việc ích nước, lợi dân.
Được coi như “thánh đường giáo dục nhân cách”, với vai trò là bệ đỡ, nhà trường chính là “cái nôi” nuôi dưỡng, gieo trồng những giá trị chân-thiện-mỹ cho học sinh, sinh viên, vì vậy, nhà trường không chỉ được quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy-học một cách tốt nhất mà còn được chú trọng xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, văn minh.
Là “chốn neo đậu bình yên nhất” của mỗi đời người, với vai trò là điểm tựa, gia đình chính là “nhà trường đầu tiên” và cũng là “nhà trường suốt đời” của mỗi con người, do đó, gia đình phải là chỗ dựa tinh thần, tình cảm vững bền cho các em học sinh, sinh viên; các bậc ông bà, cha mẹ cần luôn đồng hành, thấu cảm, chia ngọt sẻ bùi với con cháu ở lứa tuổi học đường, tạo mọi cơ hội thuận lợi nhất cho con em mình học tập, rèn luyện đến nơi đến chốn và không ngừng tiến bộ, trưởng thành.
Với vai trò là nền tảng, xã hội (nói rộng ra là cả hệ thống chính trị) phải kiến tạo môi trường văn hóa, đạo đức lành mạnh và xây dựng nền tảng pháp lý công minh, nhân văn để mọi học sinh, sinh viên được sống trong một chế độ xã hội ưu việt, làm cơ sở cho các em có những điều kiện khách quan thuận lợi để phấn đấu trở thành những người làm chủ tương lai của đất nước và xã hội.
Giáo dục không chỉ là quốc sách, là nhân tố then chốt để làm nên nguồn lực, sức sống, sức mạnh, sức bật của một quốc gia, dân tộc mà còn là tương lai, hạnh phúc của mỗi gia đình, dòng tộc, làng xã và là số phận, vận mệnh của mỗi con người, mỗi đời người. Vì vậy, không có lĩnh vực nào lại đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng hợp của tất các cả các giai tầng, thành phần trong xã hội như lĩnh vực giáo dục; cũng như không có lĩnh vực nào lại đòi hỏi mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa vị xã hội phải quan tâm chăm lo thường xuyên, bền bỉ, liên tục như lĩnh vực giáo dục. Bởi suy cho cùng, mọi sự được-mất, hay-dở, thành-bại của mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi con người trước hết phải xuất phát từ việc giáo dục và tự giáo dục có thật sự được coi trọng và làm tốt hay không.
Thế nên, có chuyên gia giáo dục ví von rằng, 5 thành tố nêu trên như 5 cánh hoa kết thành “trái ngọt” giáo dục. Điều đó có nghĩa là, mỗi thành tố như một cánh hoa, mà thiếu một cánh thì khó có thể làm nên một bông hoa hoàn thiện, hoàn mỹ. Khi học sinh, sinh viên thể hiện được vị thế trung tâm, chủ thể; khi thầy, cô giáo làm tốt vai trò là nguồn động lực, truyền cảm hứng, niềm tin cho người học; khi nhà trường luôn là bệ đỡ chắc chắn; khi gia đình trở thành điểm tựa bền bỉ; khi xã hội là nền tảng vững vàng, thì sự nghiệp “trồng người” sẽ nhất định thành công.
ĐỖ LAN
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nam-canh-hoa-ket-trai-n...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận