Lời khuyên cho phụ huynh và thí sinh trong giai đoạn ôn thi
Thời gian này, hơn 1.000.000 thí sinh đang trong giai đoạn ôn thi nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Đối mặt với kỳ thi quan trọng, nhiều thí sinh không tránh khỏi căng thẳng, áp lực.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Thanh Phương, tình trạng căng thẳng, lo lắng trước kỳ thi thường xuyên xảy ra đối với nhiều học sinh trong thời điểm thi chuyên cấp, hoặc khi phải đối mặt với những bài kiểm tra quan trọng. Đặc biệt, đối với những thí sinh sinh năm 2005, sau khi trải qua một thời gian dài phải học online khi còn đang học cấp 3, kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này càng thêm áp lực.
Theo chuyên gia, khi phải học trực tuyến, do nhiều yếu tố nội, ngoại cảnh như thiếu tương tác giữa giáo viên và học sinh; tình trạng mạng không ổn đinh, không có sự giám sát từ người lớn trong quá trình học,..., đa số các học sinh không tập trung vào bài giảng, không nắm vững kiến thức trong chương trình THPT. Thời gian cách li xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em, dẫn đến sự ức chế, căng thẳng vì mọi tương tác xã hội đều diễn ra qua màn hình máy tính, điện thoại; không được chia sẻ. Bị cách ly với môi trường bên ngoài, không được gặp bạn bè, thầy cô; bố mẹ lại phải đi làm, nên các em không thể giải tỏa, chia sẻ cảm xúc tiêu cực với người khác, dẫn đến việc học không hiệu quả.
“Qua việc trị liệu cho các học sinh tại trung tâm, tôi nhận thấy thời kỳ học online trước đây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý ôn thi hiện tại của học sinh, khiến các em bị căng thẳng hơn. Sau một thời gian dài bị cách li, các em cũng gặp khó khăn khi trở lại với cách học truyền thống. Nhiều em bị rối loạn tâm thần, ngại giao tiếp vì đã phải ở một mình quá lâu”, chuyên gia Lê Thị Thanh Phương cho biết.
Trong giai đoạn “nước rút”, thay vì cố gắng tận dụng thời gian để học nhiều hơn, chuyên gia tâm lý khuyên rằng, các thí sinh nên cân bằng giữa thời gian ôn tập và nghỉ ngơi. Tâm lý lo lắng, căng thẳng kéo dài vừa khiến bộ não hoạt động kém, không thể tiếp thu kiến thức vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thí sinh trước khi bước vào kỳ thi.
Chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp cho các em học sinh trong thời gian ôn luyện tại nhà:
Thứ nhất, nên học tập điều độ; tránh học khuya đến 2-3 giờ sáng và đảm bảo mỗi ngày ngủ ít nhất 7 tiếng. Việc thu nạp kiến thức liên tục trong thời gian dài sẽ khiến các em gặp khó khăn trong ghi nhớ. Các em nên lắng nghe cơ thể mình; để cơ thể nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, vượt quá sức chịu đựng.
Thứ hai, cần dành thời gian tập luyện thân thể. Các em nên thường xuyên ra ngoài, tập thể dục, giao lưu gặp gỡ bạn bè để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Bên cạnh chơi thể thao, các em cũng có thể áp dụng phương pháp ngồi thiền từ 15 đến 20 phút mỗi ngày để thư giãn, thả lỏng tâm trí.
Thứ ba, phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Cơ thể tốn rất nhiều calo trong quá trình học tập căng thẳng; do vậy, các em nên ăn uống đầy đủ, tránh bỏ bữa hoặc ăn đồ đóng hộp, ăn vặt, ăn linh tinh cho qua bữa. Thiếu dinh dưỡng trong quá trình ôn luyện, đặc biệt trong giai đoạn “nước rút” này có thể khiến các em kiệt sức khi tham gia kỳ thi quan trọng; dẫn đến việc hoàn thành bài thi không tốt.
Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương cũng nhấn mạnh vai trò của gia đình khi đồng hành cùng con trong quá trình ôn luyện. Sự động viên, hiện diện của bố mẹ trong những ngày căng thẳng sẽ là động lực lớn cho các con suốt quá trình ôn luyện. Thay vì chỉ ra những hậu quả xấu nếu con không may trượt nguyện vọng đặt ra, các vị phụ huynh nên hướng đến những mặt tích cực, để con giảm bớt tâm lý căng thẳng, lo sợ.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể rủ con tham gia các hoạt động thể chất như đi dạo, đi chơi hoặc thậm chí là cùng làm việc nhà vào thời gian rảnh; tránh để những cảm xúc tiêu cực của bản thân ảnh hưởng đến tâm lý của con. Nhiều gia đình thường miễn các công việc nhà để con tập trung hoàn toàn vào việc học; tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, những công việc này vừa giúp con giải tỏa cảm xúc, vừa giúp con gắn bó tình cảm gia đình hiệu quả.
Trong giai đoạn này, các em học sinh có tâm lý rất nhạy cảm; do vậy, cha mẹ cũng cần cân nhắc sử dụng từ ngữ khi trò chuyện cùng con, tránh để con cảm thấy lo lắng, suy nghĩ nhiều hơn. Nhiều phụ huynh có thói quen so sánh con mình với con người khác, coi đây là một kiểu động viên để con phấn đấu cho “bằng bạn, bằng bè”, nhưng, phương pháp này là hoàn toàn sai lầm.
“Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng rất cao vào con, hay so sánh con mình với con người khác, vô hình trung tạo thêm áp lực cho con trẻ. Thay vào đó, phụ huynh nên nói những lời yêu thương để động viên con như: Bố mẹ tin tưởng con sẽ vượt qua, Dù kết quả như nào, bố mẹ vẫn luôn yêu con. Đây chỉ là một thử thách, con làm hết mình là được,... Những lời này sẽ là “liều thuốc bổ” về tinh thần cho những thí sinh sẽ tham gia cuộc thi năm nay”, chuyên gia chia sẻ.
Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương cũng đưa ra một số lời khuyên cho phụ huynh và học sinh trong những ngày thi quan trọng như đến sớm trước giờ thi để bình tĩnh hơn về mặt cảm xúc, nên mang theo nước vào phòng thi để tránh mất nước,... Đặc biệt, phụ huynh cũng nên chuẩn bị sẵn những biện pháp “chống sốc” tâm lý cho thí sinh sau khi kết thúc mùa thi. Nếu cần thiết, các phụ huynh có thể cân nhắc đưa con đến các cơ sở trị liệu tâm lý để bình ổn cảm xúc./.
Diệp Thảo/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận