“Lạm phát” tổ hợp xét tuyển đại học
Các trường đại học trên cả nước đã và đang công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Điểm đáng chú ý là năm nay một số trường tiếp tục sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển hoặc thí sinh có thể lựa chọn một môn trong một nhóm môn học để tạo thành tổ hợp 3 môn, vì thế đã xảy ra tình trạng không ít ngành tuyển sinh theo tổ hợp không có môn học chính liên quan đến nội dung đào tạo.
Ví dụ, ngành sư phạm Hóa, sư phạm Lý của một trường đại học thông báo tuyển sinh theo khối D01 (Toán, Văn, tiếng Anh) mà không có môn Hóa, môn Lý. Có ngành y tuyển sinh theo tổ hợp: Môn Toán (bắt buộc) và 2 môn tự chọn trong 2 nhóm: Lý/Hóa/Sinh hoặc Sinh/Hóa/Lý/Văn/Ngoại ngữ/Tin học/Công nghệ. Trong trường hợp này, thí sinh có thể chọn tổ hợp xét tuyển là Toán, Lý, Văn hoặc Toán, Lý, Tin học; Toán, Lý, Ngoại ngữ... mà không có môn Hóa hoặc Sinh-những môn học có nhiều kiến thức rất quan trọng liên quan đến ngành y.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều trường đại học lại “mở rộng” việc xét tuyển theo hướng này và hậu quả sẽ ra sao?
Theo lý giải của các trường, việc xét tuyển bằng nhiều tổ hợp nhằm tạo thuận lợi, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, điều này là lợi bất cập hại vì không khác gì tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép” với mục đích chính là tăng số lượng sinh viên để tăng nguồn thu mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo. Bởi rất khó để đào tạo được những giáo viên Lý/Hóa giỏi khi sinh viên không thích hoặc học không tốt những môn học này. Tương tự, không thể có được những bác sĩ giỏi khi sinh viên “mù tịt” môn Sinh, môn Hóa...
Mùa tuyển sinh những năm trước, nhiều trường đại học cũng tuyển sinh theo những “tổ hợp lạ” không có môn học chính liên quan đến ngành đào tạo. Tuy nhiên, chương trình phổ thông cũ (chương trình 2006) bắt buộc học sinh học tất cả các môn nên dù sao các em cũng ít nhiều có kiến thức về các môn học. Từ mùa tuyển sinh đại học năm 2025, các em học theo chương trình phổ thông mới (chương trình 2018), trong đó Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ là các môn học bắt buộc. Các môn học còn lại như: Lý, Hóa, Sinh... là tự chọn. Nếu tuyển sinh theo cách “mở rộng” tổ hợp xét tuyển như nói trên thì hoàn toàn có khả năng học sinh không hề học môn Hóa/Lý nhưng vẫn trúng tuyển vào ngành sư phạm Hóa/Lý; học sinh không học môn Hóa/Sinh nhưng vẫn trúng tuyển ngành y... Đó là điều khiến xã hội thực sự lo ngại.
Trước thực tế đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các trường rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển; lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học. Động thái của cơ quan chức năng như vậy là rất kịp thời, cần thiết. Dù hiện nay các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ về phương thức tuyển sinh, nhưng tự chủ không có nghĩa là muốn tuyển sinh theo phương thức nào cũng được, mà phải dựa trên các cơ sở khoa học nhằm vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, vừa bảo đảm chất lượng đào tạo.
TRUNG HIẾU
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/lam-phat-to-hop-xet-tuy...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận