Kết quả lọc ảo lần 3: Nhiều trường xác định điểm chuẩn, điểm ngành "hot"
Sau 3 lần lọc ảo, một số trường đại học phía Nam đã cơ bản nhận định được điểm chuẩn. Nhiều ngành "hot" điểm trúng tuyển vẫn ở mức cao.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến tăng cao. Trong đó, trung bình tăng 1,5-2 điểm tùy vào từng ngành.
Một số ngành "hot" của trường này như khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin, tự động, điện - điện tử, chế tạo máy, ô tô, cơ điện tử...
Lý giải về mức tăng này, ông Hải cho biết năm nay số lượng nguyện vọng nộp vào trường tăng gấp đôi năm ngoái. Số lượng nguyện vọng 1 là hơn 14.000 em, cao hơn hẳn năm 2022 với 7.000 em. Tổng số nguyện vọng vào trường là gần 40.000, cao hơn mức 20.000 của năm ngoái.
Bên cạnh đó, điểm chuẩn tăng cũng do nhà trường đã dành một phần chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm, vì vậy, số lượng ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hạn chế hơn.
Ông Nguyễn Anh Vũ - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - cho biết sau 3 lần lọc ảo, khả năng điểm chuẩn vào trường có thể tăng nhẹ. Nguyên nhân do số lượng nguyện vọng đăng ký năm nay nhiều hơn năm trước.
Năm nay, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận được hơn 23.000 nguyện vọng.
ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL), ĐH Quốc gia TPHCM cho biết năm nay có 24.000 nguyện vọng đăng ký vào trường, gần gấp đôi năm ngoái.
Còn so với chỉ tiêu, số lượng nguyện vọng cao gấp 10 lần. Sau những lần lọc ảo, điểm chuẩn nhìn chung giảm khoảng 0,5 điểm so với năm ngoái.
Riêng các ngành thu hút nhiều thí sinh như digital marketing, thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, kinh tế đối ngoại, luật thương mại quốc tế, tài chính ngân hàng, điểm chuẩn đang ở mức tương đương năm ngoái.
Điểm chuẩn trường này năm ngoái cao nhất là 27,55 ở ngành thương mại điện tử, thấp nhất là 23,4 với ngành luật chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp.
Trong đó, digital marketing tuy là ngành học mới mở của UEL nhưng thu hút lượng hồ sơ nộp vào khá nhiều. Ngành tài chính ngân hàng cũng đang nóng trở lại sau một vài năm "nguội lạnh".
Tuy nhiên, ông Tiến nhấn mạnh các trường vẫn lọc ảo chung toàn quốc đến chiều 20/8 nên điểm chuẩn có thể còn biến động.
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương - cho hay năm nay, nhà trường ghi nhận tổng 32.931 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó nguyện vọng 1, 2, 3 khoảng 15.000 em.
Các ngành công nghệ thông tin, marketing, quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm... mỗi ngành có khoảng 2.000 nguyện vọng đăng ký.
Những ngành khác, số lượng nguyện vọng khoảng 200-800 nguyện vọng. Ngành kỹ thuật môi trường và ngành công nghệ thủy sản có ít nguyện vọng nhất, khoảng 140 nguyện vọng.
Qua 3 lần lọc ảo, nhà trường đã xác định sơ bộ được điểm chuẩn cao nhất là 23 thuộc ngành marketing. Như vậy, mức điểm của ngành này đang giảm 1 điểm so với năm ngoái.
Điểm chuẩn các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, kinh doanh quốc tế đang là 21 (giảm từ 1-3 điểm so với điểm chuẩn năm ngoái).
Các ngành còn lại điểm chuẩn sẽ cao hơn khoảng 0,5-1 điểm so với mức điểm sàn của trường công bố.
Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương lý giải nhà trường đưa ra mức độ điểm chênh khoảng 0,5-2 điểm so với điểm sàn để xác định sát với chỉ tiêu tuyển sinh do điểm chuẩn xét tuyển từ học bạ THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển từ kết quả đánh giá năng lực đã được trường công bố từ trước.
Năm ngoái, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của trường từ 16 đến 24. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là marketing và ngôn ngữ Trung Quốc.
Theo kế hoạch, 19h ngày 21/8, nhà trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có 50.000 nguyện vọng đăng ký, khoảng 1/5 là nguyện vọng 1.
Các ngành hot như công nghệ thông tin, kỹ thuật ôtô, marketing có điểm chuẩn tương đương năm ngoái hoặc tăng nhẹ, từ 24 điểm trở lên. Các ngành khác, điểm chuẩn dao động 22-23 điểm. Một số ngành của trường dự kiến giảm điểm chuẩn 0,5-1 điểm so với năm 2022.
Theo thống kê hồ sơ nguyện vọng vào Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), nhóm ngành khoa học máy tính, quản trị kinh doanh, nhà hàng - khách sạn, kế toán, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ngôn ngữ Anh vẫn duy trì sức hút lớn với thí sinh cả nước.
Theo sau là các ngành mới tuyển sinh như thương mại điện tử và Đông Phương học. Đặc biệt, SIU cũng chứng kiến lượng lớn nguyện vọng ở các chuyên ngành "lai công nghệ" như marketing số, kinh doanh số.
ThS Cao Quảng Tư - Giám đốc Tuyển sinh SIU - cho biết qua 3 lần lọc ảo, dự kiến điểm chuẩn 2023 của các chuyên ngành sẽ gần bằng với điểm chuẩn năm 2022, khoảng từ mức 17, 18 điểm trở lên.
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) - chia sẻ dự kiến một số ít ngành có mức điểm trúng tuyển cao hơn 0,5-1 điểm so với mức điểm sàn.
Đó là các ngành được nhiều thí sinh quan tâm như công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện, thiết kế đồ họa, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ kỹ thuật ô tô, marketing,…
Tương tự, các ngành truyền thông đa phương tiện, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin cũng là những ngành "hot" vào Trường ĐH Gia Định.
Số hồ sơ nộp vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng ở nhiều ngành gồm: kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, digital marketing, công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, quan hệ công chúng, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch, các ngành ngôn ngữ…
Ở khối sư phạm, các ngành dẫn đầu số thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM là các ngành: giáo dục tiểu học, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử - địa lý.
Các trường thông tin hiện vẫn còn 3 lần lọc ảo nên điểm chuẩn có thể còn biến động.
(Theo dantri.com.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận