Học sinh, giáo viên sẽ dạy và học tích hợp liên môn như thế nào?
Ở cấp THCS, học sinh và giáo viên sẽ học tập, giảng dạy tích hợp ở một số môn và nhà trường được chủ động sắp xếp thời gian biểu dạy học.
Bộ GD-ĐT vừa công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Một trong những điểm mới của chương trình là ở cấp THCS, học sinh sẽ học tích hợp liên môn. Theo đó, môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên sẽ được giảng dạy theo hình thức này.
Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình GDPT mới đây, nhiều địa phương đã bày tỏ băn khoăn với cách thức giảng dạy, học tập theo hình thức tích hợp liên môn ở các môn trên.
Trước lo lắng trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc dạy tích hợp chủ yếu sẽ ở các môn mới trong chương trình. Ở cấp THCS, có 2 môn được mọi người quan tâm nhiều là môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên.
Môn Lịch sử và Địa lý có mạch kiến thức Lịch sử riêng, Địa lý riêng, trong đó mỗi lớp sẽ có một chuyên đề tích hợp (kiến thức liên môn) khoảng từ 6-10 tiết. Như vậy, môn Lịch sử và Địa lý có số tiết học tương đương với môn Lịch sử và môn Địa lý hiện nay. Do đó, cơ cấu giáo viên sẽ không có gì thay đổi. Việc phân công cũng tương đối dễ dàng bởi giáo viên môn nào sẽ phụ trách môn đấy trong một thời lượng liên tục, có thể trong một kỳ hoặc nửa kỳ.
Thực tế chương trình hiện nay dạy môn Lịch sử và môn Địa lý tách biệt nhưng cũng đã có một số kiến thức liên môn rồi. Giáo viên Lịch sử khi dạy vẫn phải có những liên hệ với những kiến thức Địa lý và ngược lại. Do đó, việc phân công, bố trí giảng dạy cho chương trình phổ thông mới sẽ không có gì khó khăn.
Đối với môn Khoa học tự nhiên, trước đây là kiến thức riêng của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thì hiện nay được thiết kế thành một môn tích hợp.
Tính toán số lượng tiết học hiện nay, môn Vật lý có 5 tiết/ tuần, môn Hóa học có 4 tiết/tuần, môn Sinh học có 8 tiết/tuần cho cả 4 khối lớp THCS. Tỉ lệ ấy tương đương với tỷ lệ các mạch kiến thức của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được thiết kế trong môn Khoa học tự nhiên tới đây.
Lượng kiến thức tương đồng chương trình hiện tại nên với mỗi nhà trường, mỗi tổ bộ môn, số lượng giáo viên cơ bản đáp ứng được, không có sự xáo trộn về cơ cấu giáo viên”.
Trước những lo lắng về việc sắp xếp thời khóa biểu, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Giáo viên hiện nay đang giảng dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học riêng, thực chất cũng rất nhiều người đã được đào tạo 2 môn, nhưng đang giảng dạy một bộ môn nhất định.
Trong cơ cấu một nhà trường có khoảng 32 lớp, mỗi khối có 8 lớp cần khoảng 3 giáo viên Vật lý, 2 giáo viên Hóa học và 4 giáo viên Sinh học. Theo đó, việc phân công, bố trí thực hiện theo thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên là hoàn toàn khả thi.
Các trường được chủ động sắp xếp thời gian biểu dạy học
Một trong những điểm đặc biệt của chương trình GDPT mới mà các trường THCS cần lưu ý là chương trình mới chỉ quy định số tiết/ năm, chứ không quy định số tiết/tuần như các chương trình trước đây. Điều này cho phép các trường chủ động trong việc sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, đối với các mạch chủ đề của từng lớp đều được phân rõ ràng, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm cho từng môn. Như vậy, việc sắp xếp thời khóa biểu theo các yêu cầu, điều kiện của nhà trường sẽ được linh hoạt. Ví dụ trong một năm học có 2 học kỳ, chu kỳ thời khóa biểu hiện nay chúng ta đang sắp xếp là theo tuần, nhưng chu kỳ này đã không còn là xu thế hiện đại trên thế giới nữa. Chúng ta phải sắp xếp theo chu kỳ khác, ví dụ chu kỳ theo nửa kỳ.
Vì vậy, trong vòng nửa kỳ đó, có thể thực hiện hết một mạch kiến thức môn Hóa, nửa kỳ tiếp theo sẽ đi hết mạch kiến thức môn Sinh, nửa kỳ tiếp theo nữa sẽ đi hết mạch kiến thức của môn Vật lý. Với cách sắp xếp như thế, các nhà trường sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí thời khóa biểu một cách phù hợp.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, có ý kiến cho rằng việc các nhà trường được giao quyền tự chủ về chương trình, dẫn đến học sinh của các trường sẽ có kiến thức lệch nhau ở từng thời điểm. Học sinh này được học cái này, học sinh khác thì chưa.
Đề cập kỳ vọng mà học sinh sẽ đạt được sau khi học xong chương trình GDPT mới, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết, mục tiêu của chương trình là học sinh sẽ làm được gì sau khi học, thay vì sẽ biết được gì như chương trình cũ.
Ngoài ra, chương trình lần này là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học, xuất phát từ mục tiêu giáo dục. Trên cơ sở xác định được mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra thì mới xác định nội dung và lên chương trình đào tạo cụ thể.
Bên cạnh đó, chương trình có sự phân hóa, cá thể hóa rất rõ, bởi năng lực là yếu tố có sẵn trong người kết hợp với thời gian tập luyện. Trong quá trình dạy học giáo viên không còn là người truyền thụ đơn thuần mà còn phải tổ chức hoạt động để học sinh lĩnh hội, vận dụng kiến thức đó vào thực tế.
Đặc biệt chương trình cũng đặt ra vấn đề giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh vừa đỡ vất vả vừa hiệu quả như giảm số môn học, tiết học, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tránh áp đặt, một chiều…
Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, để giảm tải một cách triệt để đòi hỏi phải hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Tuy nhiên, điều này nằm ngoài phạm vi của chương trình nên phụ thuộc vào nỗ lực của toàn xã hội./.
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận