Góp phần hình thành kỹ năng, thói quen đọc sách cho học sinh
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng cao năng lực dạy tiết đọc thư viện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, nhân viên thư viện.
Tại tiết đọc thư viện, giáo viên được trao quyền chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai; học sinh có kỹ năng và thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Thư viện trường học là bộ phận cơ sở vật chất thiết yếu, trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học của trường học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh. Thư viện trường học tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng trong trường phổ thông.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Tiết đọc thư viện giúp học sinh tiểu học trở thành người đọc độc lập, có kỹ năng đọc, thói quen đọc, trở thành người học tập suốt đời và góp phần xây dựng văn hóa đọc trong trường tiểu học. Đồng thời, tiết đọc thư viện tăng cường năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh tiểu học, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất, năng lực cá nhân.
Từ những thư viện mẫu, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã học tập, xây dựng, triển khai để công tác giáo dục tiết đọc thư viện cho học sinh trong các nhà trường ngày càng khoa học và bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đại diện Trường tiểu học Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết: Để tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, nhà trường đã đầu tư, xây dựng thư viện với không gian xanh, thoáng mát, sinh động.
Từ những “kho” chứa sách ban đầu, thư viện được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và phân tích thông tin. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Chia sẻ về hiệu quả của tiết đọc thư viện mang lại, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên Trường tiểu học Tây Sơn (huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: Đọc sách là cách tốt nhất để làm giàu vốn từ vựng của học sinh.
Thông qua tiết đọc giúp học sinh nâng cao kỹ năng đọc, các em tích lũy được vốn từ, khả năng sáng tạo và được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống ngay từ lứa tuổi tiểu học. Đồng thời, các em còn được hình thành thói quen đọc sách, phát huy văn hóa đọc trong trường tiểu học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiết đọc thư viện là tiết học có độ dài theo đúng quy định cho trường tiểu học do giáo viên hoặc nhân viên thư viện thực hiện. Thông qua tiết đọc thư viện, học sinh được trải nghiệm tích cực với việc đọc, các em được tham gia, trả lời câu hỏi, đưa ra ý kiến của mình về nội dung, nhân vật trong câu chuyện.
Với tiết đọc thư viện theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giáo viên sẽ được cung cấp, tiếp cận kiến thức, công cụ một cách tổng hợp, toàn diện, được trao quyền chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai, qua đó bám sát hơn mục tiêu phát triển của chương trình.
Phó Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trịnh Hoài Thu cho biết: Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến hoạt động thư viện trường tiểu học với mong muốn xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông, nhiều mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh được thiết lập và triển khai trong các trường tiểu học.
Tiết đọc thư viện nói riêng, hoạt động thư viện nói chung được coi là giải pháp quan trọng để học sinh tự học, tự nghiên cứu, hình thành kiến thức, kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
QUỲNH NGUYỄN
Theo https://nhandan.vn/gop-phan-hinh-thanh-ky-nang-thoi-quen-doc-sach-cho-ho...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận