Góc nhìn giáo dục: Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh
Học sinh vi phạm an toàn giao thông, học sinh gây tai nạn... là những từ khóa dễ dàng tìm thấy, cũng như chúng ta được nghe kể, rồi tận mắt chứng kiến nhưng vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra 2.326 vụ làm chết 878 người, bị thương 2.266 người. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát đã xử lý hơn 90.000 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, tạm giữ hơn 50.000 mô tô. Đáng chú ý, trong số đó có hơn 45.000 trường hợp là thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
Học sinh vi phạm an toàn giao thông cho thấy lỗ hổng trong công tác giáo dục kỹ năng an toàn giao thông cho lứa tuổi này. Trong khi các em chưa đủ nhận thức thì hình phạt với các em cũng chưa thể áp dụng như với người trưởng thành. Vậy liệu hình thức nào vừa có tính răn đe vừa có tính giáo dục với học sinh? Đó chính là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cảnh sát giao thông gửi thông tin vi phạm giao thông về nhà trường để hạ bậc hạnh kiểm của học sinh liên quan là một biện pháp cần được thực hiện thường xuyên, mạnh mẽ.
Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong các cơ sở giáo dục như yêu cầu của Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15-11-2024, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 cũng rất quan trọng. Khi trẻ nhỏ tiếp xúc với các bài học tham gia giao thông đúng cách sẽ tạo ra nhận thức, thói quen đúng đắn và nề nếp văn hóa giao thông theo năm tháng.
Quá trình học tập thường xuyên giúp các em hiểu một cách tự nhiên rằng văn hóa giao thông còn là nét đẹp ứng xử. Đó không chỉ dừng lại ở việc chấp hành nghiêm luật giao thông mà còn là những hành động đẹp như: Giúp đỡ người già, trẻ nhỏ qua đường, nhường đường cho xe ưu tiên, tham gia cứu hộ người, xe gặp nạn trên đường, bắt tay giảng hòa sau những cú va chạm... Đây chính là nền móng hình thành môi trường giao thông an toàn trong tương lai. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình với vấn đề này cũng không kém phần quan trọng. Trước tiên là bố mẹ, người lớn cần làm gương khi tham gia giao thông, cương quyết nói không với việc giao phương tiện cho trẻ chưa đến tuổi điều khiển; làm gương và phối hợp với nhà trường trong giáo dục con em chấp hành nghiêm luật lệ khi tham gia giao thông.
SƠN THỦY
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-xay-d...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận