Góc nhìn giáo dục: Siết chặt dạy thêm là cần thiết
Câu chuyện dạy thêm chưa bao giờ “nguội” tính thời sự. Điều đó càng thấy rõ trong mấy ngày qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm và chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2-2025.
Mục đích của Thông tư 29 là nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc dạy thêm ở các nhà trường phổ thông, kiên quyết ngăn chặn, hạn chế những tiêu cực trong hoạt động này khiến dư luận bức xúc.
Trong khi một bộ phận giáo viên, nhà trường bày tỏ sự tiếc nuối khi không được thoải mái dạy thêm như quy định trước đó, thì đại đa số phụ huynh, người dân thể hiện sự ủng hộ với động thái mới quyết liệt của ngành giáo dục.
Theo nhận định của đại diện Bộ GD-ĐT, học thêm là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận học sinh.
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, dư luận không khỏi quan ngại trước nhiều hiện tượng biến tướng trong hoạt động dạy thêm. Việc giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài giờ quá nhiều, thậm chí ép buộc học sinh đi học thêm không còn cá biệt. Nhiều học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp do giáo viên, nhà trường của mình tổ chức vì sợ bị “lạc lõng” và bị định kiến.
Do đó, việc siết dạy thêm nhằm khắc phục tình trạng học tập quá tải đối với học sinh, bởi các em phải ken đặc lịch học từ sáng đến tối kéo dài cả tuần, không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện, hài hòa về đức-trí-thể-mỹ.
Cái hay, điểm mới, tính nhân văn của Thông tư 29 là trường học vẫn được dạy thêm, nhưng chỉ tập trung vào 3 nhóm học sinh và phải miễn phí, gồm: Nhóm có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; nhóm được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; nhóm học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, quy định cũng yêu cầu giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
Với quy định mới này, ngành GD-ĐT không chỉ nhằm chấn chỉnh những bất cập, tiêu cực trong hoạt động dạy thêm bấy lâu nay mà còn hướng đến mục tiêu làm lành mạnh hóa môi trường học đường, vun đắp tình thầy trò trong sáng hơn và củng cố vị thế, hình ảnh nhà giáo trong xã hội.
Ý nghĩa sâu sắc hơn, việc phòng ngừa, hạn chế dạy thêm trong hoạt động giáo dục còn giúp đội ngũ giáo viên tập trung thời gian, trí tuệ, sức lực, tâm huyết để nâng cao chất lượng chuyên môn giảng dạy chính khóa, góp phần thúc đẩy, làm chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục.
Mục tiêu xuyên suốt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chuyển từ phương pháp truyền thụ một chiều sang phương pháp giảng dạy tích cực nhằm rèn luyện kỹ năng, vận dụng kiến thức, hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.
Một khi nhà giáo toàn tâm, toàn ý cho công việc chuyên môn giảng dạy chính khóa ở nhà trường sẽ góp phần nâng cao vị thế, vai trò nghề nghiệp của mình, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp “trồng người” và niềm tin của nhân dân.
NGUYỄN MINH THÀNH
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-siet-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận