Giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội - thành phố sáng tạo
Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục quốc gia. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, giáo dục Hà Nội đã đóng vai trò then chốt trong việc phát triển nhân lực, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, hiện đại hóa hiện nay.
Khẳng định vị thế trên bản đồ sáng tạo toàn cầu
Trong hành trình 70 năm phát triển, ngành giáo dục Thủ đô không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng nền tảng vững chắc cho một hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại mà còn bảo tồn và truyền dạy những giá trị văn hóa độc đáo của Thăng Long - Hà Nội cho các thế hệ học sinh. Với nhiệm vụ “trồng người”, ngành giáo dục Thủ đô đã ghi dấu những thành tựu to lớn, góp phần vào sự phát triển văn minh, giàu đẹp của thành phố nghìn năm văn hiến.
Bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0, trước những cơ hội và thách thức mới, ngành giáo dục Hà Nội đã đề ra các chiến lược phù hợp để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tiếp tục giữ vững vai trò quốc sách hàng đầu. Những thành tựu giáo dục Thủ đô đã vươn tầm khu vực và quốc tế, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội. Trong thời gian qua, quy mô gần 2,3 triệu học sinh, 130.000 giáo viên cùng 2.913 trường học với gần 80% đạt chuẩn quốc gia, giáo dục Hà Nội tiếp tục được mở rộng về số lượng, đa dạng hóa loại hình trường lớp, đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng vươn tầm quốc tế.
Giáo dục không chỉ là động lực phát triển của Thủ đô mà còn là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội đã có những quyết sách quan trọng để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để đổi mới sáng tạo trở thành động lực và mục tiêu của con người, thể hiện trước hết ở quyết tâm trở thành thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Từ năm 2019, với việc tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ sáng tạo toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, giáo dục Thủ đô cần phải được nâng cao chất lượng hơn nữa, bắt đầu từ việc trang bị cho học sinh các kỹ năng sáng tạo và khả năng tư duy đột phá. Để đạt được mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái giáo dục sáng tạo bền vững, Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong môi trường học đường.
Bài học kinh nghiệm ở các thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cho thấy, những nội dung/mục tiêu sáng tạo đều được kết nối với giáo dục, đồng thời, chương trình giáo dục của các trường học đều có nội dung liên quan đến giáo dục sáng tạo.
Một số giải pháp gợi mở cho giáo dục sáng tạo Hà Nội
Để có được năng lực sáng tạo, con người cần có kiến thức, kỹ năng sáng tạo và đặc biệt là thái độ tôn trọng, cảm xúc và động lực sáng tạo. Căn cứ vào đó, giáo dục sáng tạo phải tạo ra hệ sinh thái tác động vào những thành tố: Kiến thức, kỹ năng, thái độ, xúc cảm, động cơ... Dựa vào kinh nghiệm của các thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Hà Nội có thể thực hiện những giải pháp sau:
Giải pháp 1: Nâng cao nhận thức về sáng tạo, trang bị kiến thức về thiết kế sáng tạo cho người dân, chú trọng vào học sinh phổ thông. Mục tiêu của giải pháp này là giúp người dân nói chung, học sinh phổ thông nói riêng được học, được trang bị các kiến thức về sáng tạo. Cách làm có thể là xây dựng chương trình giáo dục, môn học, phổ biến các kỹ thuật sáng tạo bằng cách thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Những học sinh ở lứa tuổi khác nhau có thể được học “thủ thuật thiết kế sáng tạo” để hiểu và áp dụng được vào phạm vi học tập, cuộc sống. Với tiềm năng rất lớn về văn hóa truyền thống, Hà Nội nên chú ý khai thác sâu các thiết kế đã trở thành di sản như: Thiết kế sản phẩm của các làng nghề, thiết kế những tác phẩm nghệ thuật cổ truyền... để sáng tạo, bổ sung, giữ gìn những tài sản tinh hoa.
Giải pháp 2: Tạo cơ hội để học sinh được thực hành kỹ năng thiết kế sáng tạo. Mục tiêu của giải pháp này là tổ chức các hoạt động giáo dục, dự án để người dân và học sinh phổ thông được thực hành những kỹ năng thiết kế, cải tiến sản phẩm. Để làm được điều đó, Hà Nội cần có quy hoạch, xây dựng hệ thống các không gian trải nghiệm sáng tạo, câu lạc bộ thiết kế, sự kiện tập trung về thiết kế sáng tạo để mỗi người có ít nhất một trải nghiệm/năm. Các thực hành thiết kế cũng nên gắn liền với việc khai thác, phục dựng, phát triển những sản phẩm tinh hoa, truyền thống của Hà Nội.
Giải pháp 3: Truyền thông, tạo động lực, giáo dục thái độ tôn trọng sáng tạo, yêu thích thiết kế, cải tiến sản phẩm. Mục tiêu của giải pháp này là tăng tần suất giới thiệu giá trị sáng tạo của các sản phẩm thiết kế, đưa ra những quy định cải thiện thể chế, văn hóa, lối sống cho người dân trong tôn trọng, yêu thích sáng tạo, sẵn sàng thiết kế. Bài học của Helsinki (Phần Lan) và Singapore cho thấy, nếu được tạo động lực, mỗi người đều có thể sáng tạo để cải thiện chính bản thân và cuộc sống của mình.
Giải pháp 4: Tổ chức cuộc thi ý tưởng thiết kế, các triển lãm ý tưởng thiết kế với đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên phổ thông. Mục tiêu của giải pháp này là tạo ra các sân chơi thu hút nhiều ý tưởng, sản phẩm thiết kế sáng tạo, phát hiện và ươm trồng tài năng sáng tạo. Hà Nội có thể nhân rộng các cuộc thi, triển lãm trước hết hướng đến cải thiện môi trường sống, phát triển cộng đồng để nâng cao ý thức, trách nhiệm và tầm nhìn cho người dân.
Giải pháp 5: Xây dựng mạng lưới của các nhà thiết kế sáng tạo ở trường/cụm trường phổ thông liên kết với các hội nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân uy tín. Mục tiêu của giải pháp này là kết nối các chuyên gia, nâng cao năng lực, uy tín cho các tổ chức, cá nhân lĩnh vực thiết kế sáng tạo, truyền cảm hứng đến các nhà trường để người học được giúp đỡ, được hướng dẫn nuôi dưỡng ý tưởng, thực hành thiết kế. Kinh nghiệm của Geelong (Australia), Kobe (Nhật Bản), Singapore, Helsinki cho thấy vai trò của các chuyên gia rất quan trọng, nhất là xây dựng nguồn nhân lực cho sáng tạo một cách chuyên nghiệp, có kế thừa, có dẫn dắt.
70 năm giáo dục Thủ đô, nhìn lại những thành tựu có tính vững chãi, căn cốt mà Hà Nội đã tạo dựng để Thăng Long-Hà Nội là nơi tinh hoa hội tụ, nuôi dưỡng nhân cách con người văn hóa, sáng tạo, trong hành trình kiến tạo “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, mỗi người dân Hà Nội cần được thôi thúc học tập, làm việc trong môi trường văn hóa, di sản, hội nhập. Thế nên trước hết, người dân cần có sự vững vàng trong năng lực và được tạo điều kiện phát triển từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
PGS, TS CHU CẨM THƠ, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/giao-duc-sang-tao-trong...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận