Dùng ChatGPT làm bài luận, học sinh, sinh viên có nhận trái đắng?
"Có những vùng kiến thức ChatGPT chưa cập nhật được nhưng vẫn đưa ra câu trả lời. Người học nếu không biết và coi đó là kiến thức chuẩn sẽ dẫn đến nội dung bài làm của mình bị sai”, GS Hồ Tú Bảo chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên VOV2, GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán cho biết, sự ra đời của ChatGPT tạo cho ông sự bất ngờ, thích thú.
Ngay từ cuối năm 2022, ông đã nhờ bạn bè ở Mỹ giúp để có thể thử sử dụng các tính năng của ChatGPT. Ngày 12/1/2023, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán cũng đã tổ chức một buổi tọa đàm về ChatGPT với 3 câu hỏi lớn: Tại sao ChatGPT lại tạo ra bước đột phá lớn đến vậy? Sự ra đời của ứng dụng này sẽ tạo ra sự phát triển AI như thế nào? Và ChatGPT sẽ ảnh hưởng đến giáo dục ra sao?
Về cơ bản, GS Hồ Tú Bảo cho biết, ChatGPT là sản phẩm của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, được xây dựng trên hệ hỏi-đáp. Quá trình phát triển của công nghệ này đã diễn ra vài chục năm nay nhưng sự xuất hiện của ChatGPT tạo ra được nhiều bước đột phá mới.
“Ví dụ khi đặt câu hỏi về hai cầu thủ bóng đá Ronaldo hay Messi ai là người giỏi hơn thì ChatGPT đưa ra câu trả lời rất khéo, chỉ ra điểm mạnh của mỗi cầu thủ mà không khẳng định cầu thủ nào giỏi hơn cầu thủ nào. Bên cạnh đó, ChatGPT cũng rất linh hoạt. Nó có khả năng viết và gỡ lỗi các chương trình máy tính, soạn nhạc, kịch ngoại truyện, truyện cổ tích và các bài luận của học sinh; để trả lời các câu hỏi kiểm tra, đôi khi, tùy thuộc vào bài kiểm tra, ở trình độ cao hơn mức trung bình của người làm bài kiểm tra”, GS Hồ Tú Bảo nói.
Tuy nhiên là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, GS Hồ Tú Bảo chỉ ra hạn chế lớn nhất của ChatGPT là chất lượng câu trả lời không có sự đồng đều. Nói cách khác, người dùng không xác định được độ tin cậy của câu trả lời.
“Đây chính là điều mà người dùng, nhất là học sinh, sinh viên và kể cả giáo viên phải cảnh giác nếu sử dụng nó vào mục đích giáo dục, cung cấp tri thức. Có những vùng kiến thức máy chưa cập nhật được nhưng vẫn đưa ra câu trả lời. Người học nếu không biết và coi đó là kiến thức chuẩn thì dẫn đến nội dung bài làm của mình bị sai”, GS Hồ Tú Bảo nói.
Trước sự lo ngại sự ra đời của ChatGPT và nhiều chatbot khác có thể khiến một bộ phận học sinh lười học, sử dụng công cụ này để sao chép, đạo văn, làm bài tập... GS Hồ Tú Bảo không phủ nhận tác động tiêu cực này nhưng ông cho rằng sẽ chỉ số ít học sinh, sinh viên sử dụng công cụ chatbot vào mục đích không chính đáng mà phần đông người học sẽ tìm ra sự thích thú, những điểm hay của ChatGPT phục vụ cho học tập, nghiên cứu.
Bản chất của giáo dục theo GS Hồ Tú Bảo là sự hỏi và trả lời. Những điều học sinh cần phải học chính là những câu hỏi và việc giáo viên truyền kiến thức cho học sinh chính là câu trả lời. Việc ChatGPT được xây dựng theo hệ hỏi-đáp do vậy hoàn toàn có thể sử dụng cho mục đích giáo dục.
GS Hồ Tú Bảo cho rằng: “Mọi sự tiến bộ của khoa học công nghệ đều có mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng ChatGPT nó mang lại lợi ích hơn nhiều sự lo lắng. Ví dụ học sinh có thể tự tìm hiểu trước, giáo viên cũng có thể tham khảo câu trả lời từ máy móc sau đó điều chỉnh, bổ sung thêm”.
Với những bước tiến vượt bậc của khoa học công nghệ, GS Hồ Tú Bảo nói, xã hội và cụ thể là lĩnh vực giáo dục không thể chối bỏ những kiến thức, hiểu biết mà máy móc mang đến cho con người. Công nghệ AI sẽ giúp người học, người lao động học tập, làm việc một cách hiệu quả, thông minh hơn. Điểm mấu chốt là người thầy phải tăng chất lượng, hiệu quả, phương pháp giảng dạy của mình – những phần mà máy móc không thể làm thay.
GS Hồ Tú Bảo cũng lưu ý, trong bối cảnh khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo có những bước tiến lớn, người dùng phải biết sử dụng một cách hợp lý. Đặc biệt, trong giáo dục phải coi trọng vấn đề đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo./.
Bá Duy/VOV2
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận