Dư luận hoài nghi khi PCT tỉnh Sơn La tiếp tục làm trưởng BCĐ thi THPT
Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền, địa phương cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định phân công nhân sự theo dõi thi cử để tăng sự công khai, minh bạch.
- Chống gian lận thi THPT: 4-6 trường ĐH sẽ về Sơn La, Hòa Bình coi thi
- Công an triệu tập Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La
- Gian lận điểm thi Sơn La: Thí sinh được nâng điểm là con cháu nhà ai?
- Gian lận điểm thi ở Sơn La: Có thí sinh được nâng 26,55 điểm
Trả lời phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, bức xúc của dư luận trước việc Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Phạm Văn Thuỷ tiếp tục làm Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của tỉnh này là hiển nhiên.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, trong khi những sai phạm, gian lận của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 còn chưa được giải quyết dứt điểm, việc tỉnh Sơn La tiếp tục phân công ông Phạm Văn Thuỷ - Phó chủ tịch UBND tỉnh - làm Trưởng ban sẽ khiến dư luận, người dân hoài nghi.
“Về nguyên tắc, với những thông tin có sự nhạy cảm về nhân sự liên quan tới gian lận thi cử thì khi báo chí, dư luận nghi ngờ, địa phương phải điều tra. Địa phương cần hết sức cân nhắc khi đưa ra quyết định phân công nhân sự theo dõi thi cử để tăng sự công khai, minh bạch. Đây cũng là cách thể hiện động thái lắng nghe ý kiến của công luận, tạo thêm thời gian cho quá trình điều tra”- đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết.
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, liên quan đến sai phạm, gian lận thi cử ở Sơn La, hiện nay dù cơ quan điều tra đã có kết luận nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là cách hiểu, cách nghĩ, cách phân công của địa phương sao cho thoả đáng, phù hợp trong tình hình nhạy cảm như hiện nay.
"Tôi cho rằng tỉnh không nên phân công những nhân sự được nêu danh tính liên quan tới những vụ tiêu cực thi cử. Điều này chỉ khiến dư luận và người dân càng nghi ngờ”- bà Hiền nói.
Bà Hiền cho rằng, hơn lúc nào hết dư luận, người dân đang rất cần sự công khai, minh bạch. Dư luận đều mong muốn cần phải có hình thức xử lý đối với những người đứng đầu, những người tham gia vào hành vi mua điểm, gian lận thi cử. “Phải công bố, trả lời trước công luận, cử tri cả nước về những vướng mắc, nguyên nhân, vì sao dẫn đến việc gian lận thi cử. Chúng ta phải truy tận gốc vấn đề. Chính quyền địa phương, ngành giáo dục cần thể hiện được tinh thần quyết liệt trong việc làm rõ, làm đến nơi đến chốn những vấn đề về gian lận thi cử, trong đó có việc đề bạt phân công nhân sự”- bà Hiền cho biết.
Bà Hiền cũng đặt câu hỏi, kỳ thi THPT quốc gia 2019 cận kề, liệu có ai đảm bảo được sự an toàn và minh bạch trong quy trình tổ chức thi? “Hiện nay, trong giáo dục đang có quá nhiều tiêu cực, tạo ra quá nhiều trạng thái tâm lý xã hội diễn biến phức tạp. Vì vậy, lãnh đạo ngành, địa phương phải có trách nhiệm, từ đó có những động thái phù hợp, thoả đáng”- bà Phạm Thị Minh Hiền nêu rõ./.
PV/VOV.VN
Chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo thi và Hội đồng thi. Trong đó, Ban chỉ đạo thi có 45 người, gồm 1 Trưởng ban, 1 Phó trưởng Ban thường trực, 9 phó ban, 30 ủy viên, và Tổ Thư ký 4 người. Trước thông tin liên quan đến các sai phạm trong kỳ thi năm trước và chuẩn bị nghỉ chế độ nên ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, cùng ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở không có tên trong Ban chỉ đạo thi và Hội đồng thi của tỉnh năm nay. Tuy nhiên, Trưởng Ban chỉ đạo thi năm 2019 của Sơn La vẫn là ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – người từng làm Trưởng Ban chỉ đạo thi trong Kỳ thi năm trước. |
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận