Đổi mới kiểm tra môn ngữ văn: Từng bước loại bỏ văn mẫu
Với phương pháp dạy học, cách kiểm tra, đánh giá mới của môn Ngữ văn được cho là từng bước sẽ loại bỏ văn mẫu.
Khép lại học kỳ 1 năm học 2022-2023, tổng kết điểm thi môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Mai Phương, giáo viên môn Ngữ văn, trường THCS Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) so sánh, kết quả thi cuối kỳ môn Ngữ văn lớp 7 do cô phụ trách thấp hơn so với kết quả những năm học trước. Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cô Phương cho rằng, việc ngữ liệu đề thi môn Ngữ văn nằm ngoài sách giáo khoa phần nào ảnh hưởng đến kết quả thi.
“Học sinh của trường thuộc vùng 3, điều kiện học tập, trình độ nhận thức có nhiều hạn chế. Các em chưa có sự linh hoạt, chưa biết cách khai thác trong ngữ liệu để trả lời câu hỏi. Các em vẫn còn bám vào kiến thức mình được học mà chưa biết vận dụng kiến thức học được để phân tích một văn bản cụ thể”, cô Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, với tư cách là giáo viên bộ môn Ngữ văn, cô Phương hài lòng với kết quả thi này. Bởi cách ra đề thi theo tinh thần Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ từng bước xóa bỏ văn mẫu, bài mẫu.
Nếu những năm học trước, mỗi kỳ thi học kỳ đến, cô Hoàng Thị Hạnh, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) tập trung ôn tập cho học sinh từ 5-7 văn bản có trong sách giáo khoa thì năm học này cô tập trung rèn các kỹ năng phân tích tác phẩm. Cô Hạnh khẳng định, với chương trình, sách giáo khoa mới việc ôn tập theo văn bản cụ thể như chương trình cũ không còn tác dụng nữa.
"Việc kiểm tra giữa kỳ do giáo viên trong trường ra đề nhưng việc ra đề cuối kỳ do Phòng Giáo dục chịu trách nhiệm. Ví dụ đề thi học kỳ 1 môn Ngữ văn năm học 2022-2023, phần đọc hiểu là một văn bản thơ không có trong sách giáo khoa, với các kiến thức được học, học sinh nhận biết thể thơ gì? Các biện pháp tu từ nào được sử dụng? Sau đó trình bày những suy nghĩ của bản thân về đoạn thơ ấy", cô Hoàng Thị Hạnh chia sẻ.
Việc chuyển trọng tâm từ coi trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh đối với môn Ngữ văn theo cô Hoàng Thị Hạnh là một hướng đi phù hợp dù cả thầy và trò sẽ rất khó khăn, nhất là đối với học sinh vùng ba như xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La).
“Tiếp cận với phương pháp dạy học, cách kiểm tra đánh giá mới theo tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, giáo viên chúng tôi cũng phải trải qua mấy học kỳ mới thực sự quen. Nhất là thời gian đầu còn nhiều lúng túng nhưng tôi tin với cách kiểm tra, đánh giá mới sẽ tốt cho học sinh", cô Hạnh nói.
Cùng với cả nước, năm học 2022-2023, trường THCS Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến lớp 7. Thầy giáo Trần Văn Quyển, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Chiến cho biết, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với trường gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất và thiếu giáo viên đối với các môn đặc thù. Riêng đối với môn Ngữ văn, thầy Quyển thừa nhận, học sinh cần 1-2 học kỳ nữa mới thực sự quen với phương pháp dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá mới. Thầy Quyển khẳng định, với cách dạy, cách ra đề môn Ngữ văn theo tinh thần mới buộc học sinh phải tư duy, vận dụng, liên hệ ngoài thực tế để làm bài trên cơ sở kiến thức nền tảng trong sách giáo khoa.
"Kết quả học kỳ I vừa rồi cũng có học sinh làm bài rất tốt nhưng nhiều học sinh vẫn chưa biết cách vận dụng kiến thức vào làm bài, điều này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực hơn nữa, khi các em quen với phương pháp dạy học mới sẽ giúp học sinh thoát khỏi văn bản trong sách giáo khoa", thầy Quyển nói.
Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) Trần Văn Quyển cũng cho biết, chương trình mới, môn học mới buộc các nhà trường phải đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực tế, ứng dụng hơn./.
Bá Duy/VOV2
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận