Để học sinh “nói không" với bóng cười, thuốc lá điện tử
Trước thực trạng lứa tuổi học đường sử dụng thuốc lá điện tử, “bóng cười", shisha đang gia tăng, thậm chí có một số trường hợp nhập viện vì ngộ độc... tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều phương pháp tiếp cận, đổi mới tuyên truyền giáo dục để học sinh chủ động “nói không" với thuốc lá điện tử, bóng cười, shisha.
Trong buổi tuyên truyền về phòng chống tác hại của ma tuý và các chất gây nghiện khác tại 1 trường THCS ở TP Hạ Long (Quảng Ninh), khi cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma tuý giới thiệu về các mẫu thuốc lá điện tử, không ít học sinh lớp 6, lớp 7 đã có thể gọi tên, phân biệt khá rành rẽ từng loại, như vape, pod…
Khác với shisha, “bóng cười” hay thuốc lá điếu truyền thống, việc tiếp cận với thuốc lá điện tử giờ đây dễ dàng hơn rất nhiều. Các em vẫn thấy người thân, bạn bè xung quanh mình sử dụng. Đáng lo ngại, trên các mạng xã hội phổ biến như Youtube, Tiktok, hình ảnh những người nổi tiếng “nhả khói” lại càng tràn lan hơn…
Một số học sinh chia sẻ, tình trạng các bạn sử dụng thuốc lá điện tử để "thể hiện cá tính" đã không còn hiếm hoi.
"Nhiều người tưởng không có hại, không nghiện nhưng em nghĩ chắc chắn nó có hại vì là chất gây nghiện, các bạn trẻ chỉ thấy lợi ích trước mắt là thoải mái và phấn khích nhưng không biết tác hại sau này".
Từ tháng 4 đến nay, các bệnh viện tại TP Hạ Long đã tiếp nhận 6 trường hợp học sinh bị ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử, đáng lo ngại hơn có trường hợp bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ do ngộ độc “khí cười” N2O. Chỉ từ năm 2022 đến nay, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận điều trị cho hàng trăm bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá và thuốc lá điện tử, trong đó trên 20% là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Đại uý Nguyễn Văn Hoàn, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, các chất có trong tinh dầu thuốc lá điện tử, shisha (thuốc lào Ả-rập) hay khí N2O trong “bóng cười” đều là nhóm chất gây nghiện, chứa nhiều hoá chất tổn hại hệ thần kinh và các cơ quan trong cơ thể. Nguy hiểm hơn là việc pha trộn ma tuý vào thuốc lá điện tử gần như không thể phân biệt được bằng mắt thường.
"Qua công tác đấu tranh vừa qua, chúng tôi phát hiện 1 số loại ma tuý núp bóng trong thuốc lá điện tử dòng pod, pod chill mà giới trẻ sử dụng có chứa tinh dầu cần sa là CBD và THC. Tác hại là nhanh chóng di chuyển từ phổi lên não, tạo ra dấu hiệu “phê” ở người sử dụng như cảm giác về thời gian và không gian thay đổi, có thể suy giảm về trí nhớ, ảo giác khi dùng liều cao. 1 số loại ma tuý núp bóng thực phẩm “nước vui”, nước nho, trà sữa,… để qua mắt lực lượng chức năng và đánh lừa người sử dụng lần đầu", đại uý Nguyễn Văn Hoàn nói.
Để ngăn chặn các tệ nạn “tấn công” học đường, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức vẫn được coi là biện pháp trọng tâm xuyên suốt, tuy nhiên phải đa dạng hình thức và đổi mới phương pháp. Chị Nguyễn Bảo Ly, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) - một trong các địa bàn trọng điểm về dịch vụ, du lịch nhận định: Thanh thiếu niên hiện nay đặc biệt nhanh nhạy về công nghệ và quan tâm tới các trào lưu trên mạng xã hội.
Do đó, ngoài việc phối hợp với nhà trường để các em ký cam kết không kinh doanh, chứa chấp, sử dụng “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử, Đoàn phường sẽ linh hoạt lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hoạt động sinh hoạt, đặc biệt trong dịp hè này.
"Các bạn học sinh đọc và nghe bao nhiêu cũng không bằng việc các bạn xem trên mạng xã hội. Do vậy trong các buổi tuyên truyền, chúng tôi phối hợp làm clip về tác hại ma tuý tổng hợp lồng ghép, để các em xem, nghe và phát biểu. Thanh niên trên địa bàn phường sẽ được nắm tình hình từ trong nhà trường, nhất là những trường hợp cần lưu ý, quản lý để giáo dục thuyết phục, kết hợp gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương để giảm thiểu các nguy cơ vi phạm, nâng cao nhận thức", chị Ly nói.
Đoàn thanh niên tại huyện Cô Tô vận động thanh niên trên địa bàn chấm dứt sử dụng thuốc lá điện tử và giao nộp các bộ thuốc lá điện tử cho lực lượng công an
Nhiều nhà trường đã phối hợp với lực lượng công an để tổ chức các cuộc thi thảo luận, tiểu phẩm, vẽ tranh về phòng chống ma tuý học đường, để các em chủ động tìm hiểu và tham gia sôi nổi, hào hứng hơn. Đại uý Nguyễn Văn Hoàn cho biết, mỗi năm Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý (Công an tỉnh Quảng Ninh) tổ chức khoảng 40 buổi tuyên truyền với các hình thức khác nhau.
"Chúng tôi đang nghiên cứu để phổ cập những kiến thức về tác hại của ma tuý nói chung và “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử trên các trang mạng xã hội, fanpage, cảnh báo các phương thức thủ đoạn có thể trà trộn ma tuý vào thuốc lá điện tử, sản phẩm đồ uống để các bạn học sinh và cả phụ huynh biết được mà phòng tránh, cảnh báo, nghi vấn nếu con em mình rơi vào trường hợp như vậy", đại úy Hoàn cho hay.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai đợt cao điểm tổng rà soát xử lý các vi phạm liên quan đến “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử, qua đó mạnh tay triệt nguồn cung, kết hợp với “liều thuốc” nâng cao ý thức của học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội, góp phần ngăn chặn những “bóng ma” này xâm nhập sâu thêm vào học đường./.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận