Cộng sinh thay vì bài trừ trí tuệ nhân tạo
Cộng sinh thay vì bài trừ trí tuệ nhân tạo (AI) đem lại kết quả học tập tốt hơn trong giáo dục thời đại 4.0. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế triển khai và có công cụ đo lường cụ thể mang tên thang đánh giá trí tuệ nhân tạo (AIAS) tại Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV).
Tại Việt Nam, hầu hết trường đại học đều chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng AI trong học tập, nghiên cứu.
Mặc dù trên thực tế, nhiều nhà trường nhận thức được vai trò của AI trong việc hỗ trợ sinh viên học tập và nghiên cứu. Nhiều người cũng băn khoăn với câu hỏi: "Liệu các phương pháp kiểm chứng AI hiện nay có đủ hiệu quả?".
Theo nghiên cứu của Phó giáo sư Mike Perkins, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại BUV, mặc dù công cụ phát hiện AI đã đánh dấu 91% các bài nộp thử nghiệm là chứa nội dung do AI tạo ra nhưng chỉ có 54,8% nội dung được nhận diện chính xác và chỉ có 54,5% các bài nộp này bị báo cáo vi phạm quy định đạo đức học thuật.
Tại sao có tình trạng này? Kiểm chứng cho thấy nhiều công cụ kiểm soát AI dễ dàng bị qua mắt bởi một số thủ thuật. Ví dụ, thử nghiệm với công cụ phát hiện AI ZeroGPT cho thấy mức độ đánh giá sai với các nội dung tiếng Việt rất cao.
Một nghiên cứu trên tạp chí quốc tế về công nghệ giáo dục trong giáo dục đại học do Phó giáo sư Mike Perkins cùng các sinh viên Vũ Hải Bình và Khuất Quang Huy của BUV thực hiện cho thấy, những công cụ phát hiện AI hiện tại chỉ chính xác khoảng 39,5% với các nội dung được AI tạo ra chưa qua chỉnh sửa. Mức độ chính xác giảm xuống 22,1% khi người dùng thực hiện chỉnh sửa nội dung đơn giản.
Phó giáo sư Perkins và nhóm sinh viên đã thực hiện đánh lừa công cụ phát hiện AI là thêm các lỗi như lỗi đánh máy, lỗi chính tả, ngữ pháp... vào những văn bản do AI tạo ra, làm cho chúng trở nên giống tác phẩm của con người. Kết quả nghiên cứu phần nào cho thấy phụ thuộc hoàn toàn vào các công cụ phát hiện AI dường như là điều không khả thi.
AIAS do Phó giáo sư Mike Perkins và các đồng sự nghiên cứu, phát triển và sử dụng tại BUV đang khắc phục được những hạn chế này. Thang đo bao gồm 5 cấp độ từ “không sử dụng AI” đến “sử dụng AI toàn diện” - cho phép sinh viên tận dụng tất cả nguồn học liệu bao gồm cả các công cụ AI ở một mức độ nhất định. Tùy từng môn học, giáo viên có thể thiết kế, điều chỉnh mức độ sử dụng AI theo nhu cầu.
Hiện nay, thang đánh giá này đã được dịch sang 13 ngôn ngữ, được giới thiệu tại Tuần lễ học tập kỹ thuật số của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Pháp, Hội nghị thượng đỉnh giáo dục đại học QS tại Ma Cao (Trung Quốc), Diễn đàn quản trị internet của Liên hợp quốc tại Saudi Arabia và đang được các trường đại học, cơ sở giáo dục ở nhiều quốc gia sử dụng, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Australia, Canada, Malaysia và Hà Lan. Tại Việt Nam, BUV sử dụng AIAS trong quá trình chấm thi.
Giảng viên xác định mức độ sinh viên được phép sử dụng AI. Kết quả sử dụng cho thấy giảm đáng kể các trường hợp gian lận liên quan đến AI. AIAS cũng làm giảm bớt nỗi lo của giáo viên về việc sinh viên có sử dụng AI hay không và tập trung vào việc hướng dẫn, khuyến khích học sinh cách sử dụng các công cụ AI một cách có đạo đức và có trách nhiệm.
Bài và ảnh: LAM KIỀU
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/cong-sinh-thay-vi-bai-t...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận