Cần xem lại cách tổ chức dạy học các môn lựa chọn
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với nhiều khác biệt. Nhưng thực tế quá trình tổ chức dạy và học Chương trình GDPT này còn những điểm bất cập, cần sớm được đánh giá, điều chỉnh.
Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực, được chia làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Riêng cấp THPT, thông qua việc lựa chọn tổ hợp và năng khiếu, học sinh đã phải xác định định hướng nghề nghiệp.
Các tổ hợp được lựa chọn trên cơ sở 8 môn, hoạt động giáo dục bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp) và 4 môn tự chọn trong số các môn Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc.
Chương trình GDPT 2018 vì thế có nhiều điểm khác biệt so với Chương trình GDPT 2006. Dễ nhìn thấy nhất là chương trình này có những môn học mới, số lượng môn học nhiều hơn. Trong số các môn học mới này nhiều môn có khối lượng bài học nhiều hơn, nội dung được nâng cao, có những phần kiến thức được lấy từ chương trình đại học đưa xuống. Lần đầu tiên ngoài các môn học bắt buộc còn xuất hiện một số môn học tự chọn (Công nghệ, Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật...).
Các môn học tự chọn không chỉ mới mà còn không phải là những môn học cơ bản quen thuộc để hướng nghiệp cho học sinh, cũng không phải để trang bị cho học sinh các kỹ năng học tập hoặc kỹ năng nghề cơ bản. Tất cả đều học chay, hầu như không có thực hành.
Dù có nhiều môn học mới nhưng học sinh vừa chân ướt chân ráo vào lớp 10, phải đưa ra những quyết định quan trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng tới cả tương lai. Đó là phải chọn các môn tự chọn ngay trước khi vào học. Nghĩa là phải khẳng định hướng chuyên môn sâu cho mình ngay từ khi vào trường. Quyết định này càng quan trọng hơn khi các em không được thay đổi môn học tự chọn trong quá trình học, đồng nghĩa với việc học sinh không được thay đổi định hướng chuyên môn sâu của mình.
Đây quả là một thách thức bởi hầu hết học sinh, phụ huynh không có cơ sở để đưa ra quyết định vì ở cấp THCS các em chưa được hướng nghiệp đầy đủ. Họ cũng phải đưa ra quyết định trước tới 3 năm về việc chọn cơ sở giáo dục đại học dự kiến đăng ký, trong khi phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học hiện nay còn chưa ổn định.
Thế nhưng quyền lựa chọn này cũng tiếp tục bị hạn chế. Bởi vì về nguyên tắc, học sinh được đăng ký chọn tự do đối với các môn học tự chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp môn học phù hợp với các khối thi dự kiến nhưng trên thực tế, quyền sắp xếp các tổ hợp môn học tự chọn lại thuộc nhà trường, tùy thuộc vào tình hình giáo viên và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường. Các tổ hợp môn học do trường lập ra này vì thế có thể không phù hợp với các khối thi mà học sinh lựa chọn.
Ngoài ra, một tác hại nữa đã diễn ra trong thực tế là việc đổ dồn lựa chọn vào các môn khoa học xã hội mà tránh các môn khoa học tự nhiên có chương trình nặng hơn. Chẳng hạn tổ hợp Lý-Hóa-Sinh có số lượng đăng ký rất ít. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc không đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước trong giai đoạn tới.
Phương pháp dạy và học theo tiếp cận năng lực, còn cần nhiều thập niên để số đông thầy cô và học sinh làm quen. Trong khi thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 đến nay cho thấy học sinh có biểu hiện quá tải trong học tập. Hệ quả nhãn tiền là nạn học thêm phát triển tràn lan.
Từ thực tế đó, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần khẩn trương đánh giá toàn bộ Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học, đặc biệt là cấp THPT, cấp học quan trọng trước ngưỡng cửa vào đại học, lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mỗi em. Nếu phát hiện thấy những bất cập nghiêm trọng cần đưa ra các quyết định điều chỉnh ngay. Việc đánh giá cần thực hiện đồng bộ trên mọi bình diện, từ mục tiêu, nội dung tới mức độ quá tải, mức độ định hướng nghề nghiệp, độ mềm dẻo, khả năng liên thông, khả năng phân luồng sau THCS...
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cần khẩn trương loại bỏ sớm trong chương trình THPT những môn học không phải là môn học cơ bản quen thuộc để hướng nghiệp cho học sinh, cũng không phải để trang bị cho học sinh các kỹ năng học tập hoặc kỹ năng nghề cơ bản. Thay vào đó cần bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành) vào các nội dung tự chọn của chương trình THPT để mở ra cơ hội cho các trường THPT chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn, tạo ra luồng THPT định hướng nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT và các trường THPT không nên thực hiện hướng nghiệp sâu ngay từ đầu cấp học như hiện nay vì tại thời điểm này học sinh chưa được tư vấn về nghề nghiệp. Các trường cũng không tùy tiện sắp xếp tổ hợp các môn học tự chọn trái với các quy định của Bộ GD-ĐT. Trước mắt, cần rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học tự chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển. Cho học sinh được chuyển đổi môn học tự chọn hoặc ít nhất có thể cho học sinh nộp học phí như một môn học thêm.
TS LÊ VIẾT KHUYẾN, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/can-xem-lai-cach-to-chu...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận