Các trường sư phạm tăng tốc đào tạo giáo viên cho chương trình mới
Nhiệm vụ của các trường đại học, cao đẳng Sư phạm rất nặng nề, khi vừa triển khai việc bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên hiện có, vừa phải tăng tốc mở mới, hoặc chuyển đổi ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tính đến năm học 2022-2023 đã được triển khai ở tất cả các cấp học với các khối lớp 1,2,3,6,7 và lớp 10. Chương trình mới, vừa triển khai, vừa hướng dẫn tiếp cận sách, nhưng có một thực tế khó khăn với ngành giáo dục là việc thiếu giáo viên. Hiện nhiệm vụ của các trường đại học, cao đẳng Sư phạm rất nặng nề, khi vừa triển khai việc bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên hiện có, vừa phải tăng tốc mở mới, hoặc chuyển đổi ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là đối với 2 môn học Âm nhạc và Mỹ thuật.
Vừa tốt nghiệp ra trường, cơ hội việc làm đã chào đón Phạm Thị Yến Nhi, cựu sinh viên ngành sư phạm Mỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, bởi hầu hết các cơ sở giáo dục đều thiếu giáo viên dạy môn học này.
"Cơ hội làm việc của chúng em rất là nhiều, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội lại càng mở rộng hơn so với ở quê hướng của em. Như em biết thì trung học phổ thông cũng đang áp dụng môn Nghệ thuật, đó cũng là cơ hội cho bọn em cũng như học sinh cấp 3 định hướng được nghề nghiệp của mình, đó là điều rất là hay và để các bạn đó đỡ bỏ lỡ cơ hội năng khiếu của mình"- Yên Nhi nói.
Cơ hội rộng mở với giáo viên khối Nghệ thuật, khi năm nay môn Âm nhạc và Mỹ thuật bắt đầu được triển khai ở bậc trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước thiếu tới hơn 5000 giáo viên nghệ thuật để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên lĩnh vực này, các trường sư phạm trên cả nước cũng phải cấp tốc đào tạo theo. Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết, những năm trước, trường chỉ tuyển 400 chỉ tiêu cho cả 2 ngành sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc thì năm nay đã tăng chỉ tiêu đào tạo 2 ngành này lên 900 em.
Giáo sư Phượng cho biết: "Thống kê trên cả nước gần như 100% trường đang thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Khối lượng sinh viên của trường ra trường chỉ đáp ứng được phần nào so với lượng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trên toàn quốc. Bởi vì đào tạo không thể đào tạo ồ ạt được ngay, bởi phải căn cứ vào năng lực cơ sở vật chất của trường đào tạo".
Cùng với các môn học ở lĩnh vực nghệ thuật thì thiếu giáo viên dạy tích hợp cũng đang là vấn đề nan giải của các trường trung học cơ sở hiện nay. Đến nay, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) là đơn vị đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên tích hợp Tự nhiên và Lịch sử, Địa lý. Thế nhưng, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm cho biết, cũng phải 2 năm nữa trường mới có lứa sinh viên đầu tiên của ngành giáo viên tích hợp tốt nghiệp. Vì thế, cùng với đào tạo mới, trường cũng mở các lớp bồi dưỡng lại lực lượng giáo viên hiện có theo đơn đặt hàng.
"Trường đã có chương trình hợp tác bồi dưỡng toàn bộ giáo viên trung học cơ sở các môn đó cho tỉnh Hưng Yên. Đấy là lộ trình mà chúng tôi hướng tới trong việc đào tạo giáo viên các ngành tích hợp này. Tất nhiên phải dựa vào tình hình thực tiễn cũng như phân bố chỉ tiêu của Bộ, đơn đặt hàng của các tỉnh để cho việc có một đội ngũ đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018"- Ông Nguyễn Chí Thành nói.
Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai ở 6 khối lớp gồm: lớp 1,2,3,6,7 và lớp 10. Trong lúc chờ các cử nhân sư phạm đầu tiên đào tạo theo chương trình mới tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các địa phương triển khai giải pháp tạm thời đó là sử dụng giáo viên các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc ở cấp học dưới lên dạy ở bậc học trên để đáp ứng nhu cầu.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin: "Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, ưu tiên đối với các địa phương có địa bàn gần nhau, trên cơ sở nguyện vọng cũng như điều kiện của giáo viên có thể điều chuyển giữa các trường, để có thể đảm bảo chương trình giảng dạy. Hai là có thể sử dụng đội ngũ giáo viên ở cấp học thấp hơn nhưng có trình độ đại học để giảng dạy các môn Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông để đáp ứng yêu cầu. Thứ 3 là một số thầy cô giáo có năng khiếu đang dạy ở các môn học khác có đủ điều kiện và có nguyện vọng thì có thể đưa đi đào tạo để đáp ứng được nhu cầu".
Dù ngành Giáo dục- Đào tạo, các trường sư phạm, các địa phương đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn. Hiện nhiều trường trung học phổ thông đã phải dùng đến giải pháp tình thế là bỏ môn học nghệ thuật ra ngoài phạm vi giảng dạy, ảnh hưởng đến quyền lợi được học tập của các học sinh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận