7 trường đại học ký kết hợp tác đào tạo kỹ sư
Ngày 27/6, tại Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng, 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư.
7 trường đại học (ĐH) khối kỹ thuật tham gia Lễ ký kết công bố chung về phát triển chương trình đào tạo kỹ sư gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Thuỷ Lợi và Trường ĐH Mỏ-Địa chất.
Các trường đại học đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất về một số nguyên tắc phát triển các chương trình đào tạo Kỹ sư như số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.
Theo đó, các trường tham gia ký kết sẽ hợp tác đề xuất xây dựng chuẩn chương trình chung phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời xây dựng và công bố lộ trình thực hiện phù hợp với đặc thù của mỗi trường. Chương trình đào tạo mới cũng có thể được áp dụng cho các khoá đã nhập học, tùy điều kiện thực tế từng trường và nguyện vọng của sinh viên.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, cùng đào tạo kỹ sư nhưng các trường trong khối kỹ thuật có trường đào tạo 4,5 năm nhưng cũng có trường đào tạo 5 năm. 7 trường ĐH khối kỹ thuật đã cùng thống nhất, các chương trình đào tạo kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo khung trình độ quốc gia. Với khối lượng kiến thức toàn khoá tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hoá, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ”.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: Mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp cử nhân - kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng cử nhân và kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khoá được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm); và mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng cử nhân và kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn”.
Với sự thống nhất chung này, sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tiến trình học tập phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế, thời gian. Đây cũng là sự tiệm cận tiến tới công nhận chương trình đào tạo, tín chỉ của nhau giữa 7 trường ĐH khối kỹ thuật trong nhóm.
Theo đó, nếu sinh viên học chương trình 4 năm sẽ nhận được bằng tốt nghiệp cử nhân; thêm từ 1-1,5 năm để có bằng tốt nghiệp với trình độ kỹ sư theo hướng chuyên sâu hơn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự đổi mới chương trình đào tạo của 7 trường ĐH khối kỹ thuật hàng đầu Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực quốc tế và kỳ vọng sẽ lan tỏa đến toàn hệ thống. Đây là bước đi đầu tiên của hướng đi tiên phong nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động Việt Nam mà còn hướng đến hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng Kỹ sư truyền thống được chuẩn hoá và nâng cao.
Minh Trang ( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận