275.530 thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển
Các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 trong thời gian từ ngày 2/10 đến 17h ngày 4/10. Trước 17h ngày 5/10, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng đợt 1.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, từ ngày 19/9 đến hết ngày 27/9, cả nước có 275.530 thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay là 648.481.
Theo kế hoạch thực hiện công tác tuyển sinh năm 2020 của Bộ GD&ĐT, các sở giáo dục và đào tạo phải hoàn thành việc cập nhật thông tin về điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 của tất cả thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT vào trước 17h ngày 30/9/2020.
Các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 trong thời gian từ ngày 2/10 đến 17h ngày 4/10. Trước 17h ngày 5/10, các trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng đợt 1.
Để thống nhất công tác xét tuyển, lọc ảo trong toàn hệ thống, Bộ GD&ĐT quyết định điều chỉnh thời điểm tổ chức xét tuyển lọc ảo để kết hợp với điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 2. So với dự kiến ban đầu, thời điểm điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh thi đợt 1 sẽ lùi xuống 6 ngày.
Trước đó, trong Công văn 2931/GDĐH-BGDĐT hướng dẫn điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trong tình hình COVID-19, Bộ đã chủ động chỉ đạo các trường dành lại chỉ tiêu cho các thí sinh thi đợt 2 (27 địa phương với hơn 26 ngàn thí sinh). Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu cho thí sinh trên rất phức tạp đối với các trường (cụ thể là dành chỉ tiêu với từng ngành từng tổ hợp của từng trường).
Với việc lùi thời gian điều chỉnh nguyện vọng và xét tuyển như trên, quy trình tổ chức điều chỉnh nguyện vọng và tổ chức xét tuyển vẫn sẽ giữ nguyên như năm 2019, đảm bảo tính ổn định, khách quan và công bằng cho thí sinh toàn quốc, giảm áp lực cho các trường.
Theo Quy chế tuyển sinh, các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, việc tổ chức điều chỉnh nguyện vọng chung cho cả 2 đợt thi sẽ cho phép thí sinh đợt 2 được cùng tham gia điều chỉnh nguyện vọng cùng với thí sinh thi đợt 1. Điều này rất quan trọng với các thí sinh chuẩn bị thi đợt 2, các em sẽ không có tâm lý bị “nằm ngoài” hệ thống, cùng được xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng một cách công bằng.
Việc tổ chức điều chỉnh nguyện vọng chung cho cả 2 đợt thi đồng thời sẽ khắc phục khó khăn do Quy chế đã quy định điểm trúng tuyển lần 2 không được thấp hơn lần 1. Nếu thí sinh lần 2 đã biết điểm, có thể tập trung điều chỉnh nguyện vọng để đăng ký vào ngành đó, gây áp lực lên trường về chỉ tiêu và có thể không đảm bảo sự công bằng với thí sinh thi đợt 1.
Giải pháp này cũng góp phần giữ ổn định toàn hệ thống, giúp các cơ sở đào tạo chủ động xác định được nguồn tuyển (số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển) để lựa chọn được phương án tuyển sinh phù hợp đảm bảo thực hiện được ngay toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh do nhà trường đã xác định và công bố công khai trong Đề án Tuyển sinh của trường.
Do nguyên nhân khách quan, thời gian thi, công tác điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển… đều phải điều chỉnh có thể khiến thời điểm nhập học và khai giảng của sinh viên năm thứ nhất sẽ phải lùi chậm lại ít nhiều.
Tuy nhiên, kế hoạch học tập của các khóa khác trong cơ sở đào tạo không bị ảnh hưởng. Trên thực tế, tổng thời gian cho các công tác tổ chức thi, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển, nhập học vẫn như năm 2019.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy học tập cho sinh viên năm thứ nhất, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo chương trình đào tạo.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận